Người mua thận trọng hơn
Ôn Như Bình, Giám đốc Chiến lược Teko Ventures, chia sẻ: “Vào ngày 1/4, bên tôi kết hợp với Massan để khai trương sàn Vinmart.com, ngay sau đó đơn hàng online tăng lên rất nhiều, tuy nhiên mọi thứ không được như kì vọng, bởi lẽ các hoạt động offline bị ảnh hưởng rất nặng nề”.
Thương mại điện tử Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn để đạt được mức tăng trưởng như kì vọng. Ảnh: ST |
Theo ông Bình, vào thời điểm giãn cách xã hội, mọi người nghĩ ai cũng sẽ lao lên sàn mua sắm online, nhưng thực tế lại bị phân tâm rất nhiều về việc tình hình dịch bệnh, về công việc… Thời gian dành cho việc mua sắm, giải trí trước đây bị “sóng dịch” chiếm rất nhiều. Mặt khác, khi khủng hoảng xảy ra, người dân đều có xu hướng tích lũy, đề phòng.
“Trước đây, khi mua online đều chia ra mua nhiều lần, thì giờ mua một lần rất nhiều mà đa phần là mua những món hàng có giá trị thấp, ưu tiên đồ cần thiết trước, và với mặt hàng cần luôn thì sẽ mua offline. Vì thế, doanh số bán hàng lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm… ở các trang thương mại điện tử hầu hết đều giảm”, ông Bình cho biết.
Còn trong giai đoạn hậu dịch, ông Phạm Chí Nhu, sáng lập Coolmate - đơn vị đang phát triển website chuyên mua sắm về các sản phẩm nam giới, cho biết xu hướng là người mua đang thắt chặt chi tiêu. Trong giai đoạn này, những sản phẩm người tiêu dùng "thích là mua" bị giảm, họ sẽ chỉ mua những sản phẩm thực sự cần thiết do thu nhập đang bị ảnh hưởng.
Ông Đỗ Văn Giang, sáng lập Omshop chia sẻ, theo con số thống kê gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng 49% mỗi năm. Covid-19 đã chứng minh tốc độ đó và qua đợt dịch, giới phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng này sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên theo ông Giang, nhu cầu về mua sắm online tới đây sẽ giảm, chỉ có một số mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn tăng.
Lấy ví dụ thực tế trong việc kinh doanh của mình, đại diện Omshop cho biết, hiện tại trong giỏ hàng của công ty đang tập trung vào 6 lĩnh vực, đó là: thời trang, mỹ phẩm, công nghệ phụ kiện, đồ gia dụng, mẹ và bé, nội thất. Theo đó, các lĩnh vực chủ yếu như mỹ phẩm, thời trang đang có xu hướng giảm, chỉ có lĩnh vực mẹ và bé, đồ gia dụng tăng trưởng 20%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra khó khăn đối với các doanh nghiệp, người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hiện nay đó là về nguồn cung hàng hóa, khi các thị trường như Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nhiều và thị trường nội địa chưa đáp ứng đủ nguồn hàng.
Mặt khác, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng bán hàng trực tuyến cũng nhận định, do cú hích của Covid -19, người bán hàng, doanh nghiệp đang dần nhận ra tầm quan trọng của việc đưa sản phẩm lên sàn online. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử đang chứng kiến viễn cảnh người bán nhiều hơn người mua. Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào khi bắt đầu chuyển từ kênh offline sang kênh bán online cũng có kinh nghiệm, vì thế sẽ gặp những khó khăn nhất định trong giai đoạn này.
“Thương mại điện tử không phải cây đũa thần”
Đó là lời khuyên của một số đại diện nhà cung cấp nền tảng bán hàng trực tuyến đối với các “tân binh” mới bước chân lên sàn online. Ông Phạm Chí Nhu cho rằng: Làm thương mại điện tử không hề đơn giản, người bán hàng chuyển sang kênh online không phải chỉ thuê 1-2 gian hàng trên sàn thương mại điện tử là sẽ bán được. Sự cạnh tranh trên sàn khác hẳn với kênh offline.
“Các doanh nghiệp chuyển sang kênh online cần một quá trình dài hơi, cần tối ưu mọi chi phí. Đặc biệt, phải làm cho người mua hài lòng, cho họ cảm giác như đi ra siêu thị mua đồ hàng ngày”, ông Nhu nói.
Theo ông Đỗ Văn Giang, xu hướng chuyển đổi số, bán hàng online là xu hướng phổ biến. Đặc biệt, hệ sinh thái của Việt Nam về thương mại điện tử gần như hoàn chỉnh, về giao hàng, thanh toán…Vì vậy, theo ông Giang các doanh nghiệp muốn lên sàn cần có nguồn hàng, kĩ năng tốt, tập trung tối ưu chi phí. Đồng thời cần đảm bảo chất lượng hàng hóa để giữ vững niềm tin của người mua.
Bên cạnh những khó khăn, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, tiềm năng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam là rất lớn. Bởi lẽ, qua đợt dịch này, người tiêu dùng cũng cởi mở hơn với thương mại điện tử.
Minh chứng là kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19/3 - 19/4/2020 đối với vùng châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiến khẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10 % ý kiến không tin tưởng vào thương mại điện tử.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng đang tích cực tung nhiều ưu đãi như miễn phí vận chuyển, miễn phí mở gian hàng… để thu hút người bán hàng tham gia.
Bà Ngọc Nguyễn, sáng lập EcomEasy - đơn vị kết nối người bán hàng và các sàn thương mại điện tử - cho biết hiện nay, các sàn đang hỗ trợ rất nhiều đối với người bán. Vì vậy, người bán có sản phẩm, dịch vụ, muốn thương mại hóa thì phải mạnh dạn lên sàn, tận dụng hệ sinh thái của các sàn để tăng hiệu quả kinh doanh.
Quy mô thương mại điện tử Việt sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử của VECOM, năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn bốn năm 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN. |
Theo Thời báo Ngân hàng