Hà Nội, Thứ Tư Ngày 11/12/2024

Thương vụ tỷ đô VinCommerce - Masan: Giữ thị phần bán lẻ cho người Việt

Báo Đầu tư 10:30 09/12/2019

Trong mục tiêu “chọn mặt gửi vàng”, Vingroup đã chọn một doanh nghiệp Việt là Masan để phất tiếp ngọn cờ bảo vệ thị trường nội địa cho các nhà sản xuất Việt.

Cái bắt tay giữa đại gia bán lẻ và đại gia tiêu dùng được kỳ vọng đưa liên minh lên một tầm cao mới, hướng ra thế giới.

Sau 5 năm có mặt trên thị trường, VinCommerce trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Quyết định dũng cảm của Vingroup

Tập đoàn Vingroup và Masan vừa tiến hành thương vụ gây chấn động dư luận và được coi là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ, khi công ty thành viên của Vingroup là VinCommerce và VinEco về cùng nhà với Masan. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sáp nhập thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Masan Group nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Ra đời từ tháng 11/2014, VinCommerce (với chuỗi VinMart và VinMart+) trở thành hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, sau khi lần lượt mua lại OceanMart, Fivi Mart, Shop&Go. Mức tăng trưởng doanh thu trung bình của VinCommerce tăng 80-100% mỗi năm.

Để chiếm lĩnh “số 1 tuyệt đối” trên thị trường bán lẻ, Vingroup nhiều năm chấp nhận đánh đổi lợi nhuận lấy quy mô, trước sự “bành trướng” của các thương hiệu ngoại.

Là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu (theo xếp hạng của Hãng Nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney), bán lẻ Việt Nam ước tính khoảng 142 tỷ USD, tương đương 59% GDP. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành khoảng 13%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây chính là “con gà đẻ trứng vàng” để các thương hiệu ngoại chiếm lĩnh, trước khi VinMart và VinMart+ xuất hiện với sự phủ sóng “chưa từng có”, từng bước đánh bật các thương hiệu ngoại để chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu.

Tuy nhiên, giữa lúc đang ở “đỉnh cao”, thì Vingroup rút lui. Quyết định gây sốc này được các chuyên gia kinh tế đánh giá là “rất dũng cảm” khi chuỗi bán lẻ của tập đoàn này đang ở vị thế số 1 thị trường và chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” khi sau khi đạt điểm hòa vốn. Về lâu dài, quyết định này mang kỳ vọng vươn tầm chưa từng có cho cả thị trường bán lẻ Việt.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup lý giải, Tập đoàn muốn dồn toàn lực cho công nghệ - công nghiệp. “Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa 2 doanh nghiệp này mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Quang khẳng định.

Trong khi đó, Masan với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng sẽ có thể các giá trị cộng hưởng cực lớn từ chuỗi bán lẻ số 1 hiện nay. “Ông lớn” này được coi là lựa phù hợp nhất để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam vươn ra thế giới, góp phần thêm sức mạnh và vị thế cho nền kinh tế.

Chọn mặt gửi vàng cho Masan

Là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Masan hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng bao gồm các loại thực phẩm và nước giải khát với nhiều thương hiệu trên thị trường như Chinsu, Nam Ngư, Vinacafe… Cuộc chơi trên thị trường phân phối rất khốc liệt và với những công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Masan, không kiểm soát được kênh phân phối đồng nghĩa với mất lợi thế ngay trên sân nhà. Khi đó, hệ thống VinMart và VinMart+ có thể là mảnh ghép quan trọng cho tham vọng trở thành đế chế trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ của Masan.

Thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Với tiềm lực của Masan, Vingroup đã rất biết cách “chọn mặt gửi vàng” để vẫn giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp Việt, đồng thời có thể đưa VinCommerce và VinEco tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu ngoại, và hướng ra thế giới. Và cuộc bắt tay “tỷ đô” giữa Vingroup và Masan có thể hiểu là cuộc chuyển giao kênh phân phối lớn nhất Việt Nam giữa hai doanh nghiệp nội. Với mục tiêu bảo vệ các nhà sản xuất Việt, Vingroup có lý do khi chọn Masan chứ không phải một doanh nghiệp ngoại nào khác để trao lại “con gà đẻ trứng vàng” trong mảng bán lẻ.

Bởi đã có thời, người Việt lo lắng khi thị phần bán lẻ lần lượt rơi vào tay người Thái, người Nhật, người Hàn, hệ quả nhãn tiền là hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống của những ông chủ ngoại. Nhưng khi VinMart, VinMart+ đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia bán lẻ ngoại đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam giữ vững thị phần thông qua kênh phân phối này. Sau khi tiếp quản, Masan sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp, các sản phẩm Việt vẫn được ưu tiên trong hệ thống bán lẻ lớn nhất nước này.

Sau khi sáp nhập, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh, thành phố, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan. Trong mục tiêu trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu khu vực, Masan sẽ phất tiếp ngọn cờ bảo vệ thị trường nội địa cho các nhà sản xuất Việt.

Bạn đang đọc bài viết Thương vụ tỷ đô VinCommerce - Masan: Giữ thị phần bán lẻ cho người Việt tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân