Theo dự báo, giá heo vẫn chưa dừng lại ở đó mà từ nay đến Tết Nguyên đán, giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng cao vì thiếu hụt nguồn cung sau dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bloomberg, người dân Việt Nam có thể có không được thưởng thức các món ăn truyền thống, liên quan đến thịt lợn, vào dịp Tết Nguyên đán này, khi dịch tả lợn châu Phi đã cắt giảm đàn gia súc và gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn Việt Nam.
Thị trường có thể sẽ thiếu hụt 200.000 tấn trong giai đoạn từ tháng 11 đến cuối tháng 1.2020, theo ước tính của Chính phủ.
Sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn đồng nghĩa với việc nhập khẩu có thể sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ nhập khoảng 15.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia cũng coi thịt lợn là lẽ sống, trong nhập khẩu mặt hàng này nhằm giúp duy trì giá cả.
Trước tình hình thịt heo khan hiếm, nhiều người lo ngại, giá thịt lợn Tết sẽ tăng cao. Mới đây, nhiều nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ giữ giá thịt heo và đảm bảo không khan hàng dịp Tết.
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cho biết siêu thị này đang tiêu thụ trung bình 40-50 tấn thịt heo một ngày và dự kiến sẽ tăng 30-40% trong dịp cao điểm tết. Ngoài ra, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước cũng đưa vào khai thác thịt heo bảo quản mát sản xuất theo công nghệ lạnh châu Âu và các mặt hàng thịt heo thảo mộc... để tăng lựa chọn cho khách hàng.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đã chuẩn bị xong nguồn thịt heo giá tốt từ các đơn vị cung cấp lớn như Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam để phục vụ chương trình bình ổn giá của TP HCM. Song song đó, siêu thị còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt gà, thịt vịt, thủy sản, hải sản...
Tương tự, đại diện Big C cho hay, nếu giá heo trên thị trường lên quá cao, siêu thị cũng sẽ có biện pháp để không thay đổi giá đột ngột. Đồng thời, trong 6 tuần trước Tết, Big C sẽ giữ giá cố định như đã niêm yết với hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng nhanh.
Là đơn vị không chỉ cung ứng thịt heo cho các siêu thị mà còn vận hành chuỗi bán lẻ thực phẩm, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết sẽ cung ứng trên 7.500 tấn hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt tết năm nay là 800 tỷ, tăng 10% so với tết 2019. VISSAN cam kết đáp ứng nhu cầu trước, trong và sau Tết với nguồn hàng chất lượng và giá cả ổn định. Bên cạnh đó, công ty cũng chuẩn bị các sản phẩm thịt heo đông lạnh đóng gói 1-2 kg. Nếu giá thịt heo nóng biến động, đây sẽ là sản phẩm trợ giá cho người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, mới đây, Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong dịp Tết Nguyên đán 2020, nhu cầu thịt lợn tại Hà Nội tăng 22.300 tấn/tháng, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm mạnh. Cùng lúc, đàn lợn toàn thành phố giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.
Hiện tại, theo Sở Công Thương Hà Nội đã có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng trị giá hơn 18.000 tỉ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.
Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát tại Việt Nam vào tháng 2, khiến cho 5,9 triệu con lợn chết hoặc bị thiêu hủy tới giữa tháng 11. Tổng nguồn cung thịt lợn ước tính sẽ giảm 4% xuống còn 5,14 triệu tấn trong năm nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sản lượng thịt lợn có thể giảm 10% so với một năm trước, tương đương 380.000 tấn.
Khả Như (T.H)/Theo VietQ