Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là hai doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trong khi Vietnam Airlines được biết đến là hãng hàng không quốc gia sở hữu đội tàu bay đông đảo nhất cả nước với hơn 100 chiếc, thì ACV cũng được mệnh danh là "vua tiền mặt" trên sàn chứng khoán với việc độc quyền quản lý và vận hành 22 sân bay trải dài từ Bắc đến Nam, mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ lãi gửi ngân hàng.
Tuy khó khăn là tình cảnh chung của doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19. Song, nhìn vào tình hình kinh doanh của hai doanh nghiệp có thể thấy Vietnam Airlines đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.
Nợ nần chồng chất, Vietnam Airlines đứng bên bờ vực phá sản
Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo tình hình doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố.
Theo Bộ này nhận định, dự kiến số lỗ của quý I/2021 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Nếu cứ tiếp tục chậm trả nợ, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể bị chủ nợ yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này là Vietcombank với số tiền 7.544 tỷ đồng, bao gồm hơn 2.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 4.800 tỷ đồng nợ dài hạn. Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng đang nợ ACV hơn 1.000 tỷ đồng, khoản nợ lớn nhất trong số các khách hàng của Tổng công ty Cảng Hàng không.Tại thời điểm 31/12/2020, Vietnam Airlines vay nợ ngắn hạn gần 6.800 tỷ đồng, vay nợ dài hạn gần 9.000 tỷ đồng và nợ thuê tài chính dài hạn 18.260 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines qua các quý |
Báo cáo tài chính quý I/2021 cũng cho thấy kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp này. Theo đó, ba tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020.
Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.900 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là mức lỗ quý lớn nhất của Vietnam Airlines kể từ khi hãng bay này niêm yết trên sàn chứng khoán. Khoản lỗ kỷ lục này đã nâng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tăng lên 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ.
Tình hình kinh doanh kém khả quan đã khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4. Đặc biệt, đầu tháng 6 vừa qua, hãng bay này cũng rao bán 11 chiếc máy bay do gặp áp lực về dòng tiền.
ACV lãi lớn nhờ tiền gửi ngân hàng
Không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, quý I/2021 ACV ghi nhận doanh thu đạt 1.909 tỷ đồng và lãi ròng 864 tỷ đồng, giảm tương ứng 47% và 44% so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu từ dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không, bán hàng đều giảm.
Dù chưa thể so với cùng kỳ 2020, nhưng hoạt động kinh doanh của hãng quản lý cảng hàng không này đã có sự cải thiện vượt bậc. Doanh thu và lợi nhuận của ACV đã tăng quý thứ ba liên tiếp và đây cũng là quý doanh nghiệp này báo lãi cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh từ quý II/2020.
ACV thu lãi lớn nhờ khoản tiền gửi |
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh của ACV đến từ doanh thu hoạt động tài chính tăng 65,6% lên 901 tỷ đồng. Trong đó lãi từ tiền gửi hơn 476 tỷ đồng và lãi từ chênh lệch tỷ giá khoảng 423 tỷ đồng.
Không hổ danh là "ông vua tiền mặt", ACV luôn có một khoảng tiền mặt lớn trong cơ cấu tài sản của công ty. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý I/2021, tổng tài sản của Cảng Hàng không Việt Nam là hơn 56.307 tỷ đồng. Trong đó, ACV có khoảng 32.200 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và gần 580 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.
Theo số liệu trên báo cáo tài chính của ACV từ năm 2017 đến năm 2020 cho thấy, mỗi năm đơn vị này thu về hàng ngàn tỷ đồng từ lãi tiền gửi. Bước sang năm 2020, trong bối cảnh Covid-19, lượng tiền gửi ngân hàng lớn cũng đem lại cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam một nguồn doanh thu lớn và trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp này trong giai đoạn khó khăn.
Tiền lãi gửi của "ông vua tiền mặt" hàng năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng |
Cả năm 2020, khoản tiền gửi ngân hàng đem về cho công ty nguồn thu hơn 2.146 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này đồng nghĩa trong năm 2020, chưa cần sản xuất kinh doanh, trung bình mỗi ngày ACV hưởng tới gần 5,9 tỷ đồng tiền lãi gửi.
Theo Người Đưa Tin