Ngày 17/6, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đã thông tin một số kết quả kiểm tra, thanh tra các dự án điện mặt trời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Dũng, đoàn đã kiểm tra tại 10 tỉnh, có công suất lắp đặt loại hình năng lượng này lớn, được coi là nơi phát triển nóng điện mặt trời (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái, điện mặt trời trang trại áp mái...).
Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tồn tại. Bộ Công Thương đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.
“Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, địa phương, EVN, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới, đảm bảo phát triển đồng bộ với hạ tầng lưới truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước”, ông Dũng nói.
Phát triển điện mặt trời không kiểm soát gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, công an tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án điện mặt trời mái nhà dưới hình thức trang trại trước thực tế nhiều dự án điện mặt trời áp mái hình thức trang trại biến tướng, lách luật trục lợi. Phần lớn các dự án "núp bóng" dưới vỏ bọc làm thủ tục xin chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang trồng cây hàng năm, rồi làm dự án trang trại chăn nuôi, trồng rau... Song, theo Công an Bình Phước, họ không nuôi con gì, không trồng cây gì, mà lại làm các trụ bê tông, trụ sắt, giá đỡ để lắp đặt pin năng lượng mặt trời, sau đó ký hợp đồng với công ty điện lực để bán điện với giá ưu đãi.
Theo số liệu thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW; trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kWh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.
Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.
Hệ quả của việc phát triển thiếu tầm nhìn
Theo PGS.TS Bùi Thiên Dụ, việc phát triển điện mặt trời thiếu tầm nhìn đã dẫn đến không giải tỏa hết công suất. Các vấn đề về lưới truyền tải đã không được tính toán, kiểm soát chưa chặt chẽ các công trình điện mặt trời. Các cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời thời gian qua đều thiếu tính bền vững, chủ yếu là chắp vá. Dẫn chứng cho việc này, ông Bùi Thiên Dụ cho biết khi Quyết định 11 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, nhà đầu tư, người dân đã phải "ngóng" một thời gian dài để có chính sách mới thay thế đó là Quyết định số 13.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, các chính sách không dài hơi dẫn đến phát triển ồ ạt, gây áp lực lên việc giải tỏa công suất. Nếu "tuổi thọ" của chính sách đủ cho các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng khi triển khai thì sẽ không phải chạy theo hạn chót như thời gian qua. Ông Dụ nhấn mạnh thêm vừa qua chúng ta khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế hấp dẫn, nhưng đến nay do thiếu sự đồng bộ về lưới điện, phải cắt giảm công suất như dự báo của EVN là "đẩy rủi ro" về phía nhà đầu tư, người dân.