Sáng 28/7, Vissan (MCK: VSN) có công văn gửi đến sở Y tế TP. HCM, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP. HCM và cơ quan chức năng liên quan xin tạm dừng hoạt động trong 3-4 tuần để đưa công nhân nhiễm Covid-19 đi cách ly tập trung, còn các F1, F2 sau khi theo dõi nếu đủ điều kiện có thể quay lại công việc.
Ngày 20/7, công ty phát hiện thêm 20 ca dương tính Covid-19 nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Hiện, Vissan có 43 ca nhiễm Covid-19 và hàng trăm F1, F2.
Tạm dừng cấp thịt heo, liệu Vissan đối diện với nguy cơ mất trắng 13 tỷ đồng mỗi ngày?
Quý II/2021 chứng kiến làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4 và vẫn kéo dài đến nay, theo báo cáo tài chính, doanh thu Vissan giảm 9%, đạt 2.340 tỷ đồng và lãi ròng 77 tỷ. Mức lợi nhuận này đạt 47% kế hoạch đề ra cho năm 2021.
Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp thực phẩm này thu về gần 12,93 tỷ đồng doanh thu và 523 triệu đồng lợi nhuận.
Nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp đến từ sản phẩm thịt tươi sống và thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, việc giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn giúp doanh nghiệp cải thiện 5% lãi gộp, đạt mốc 245 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 2/2021, VSN đang có quy mô tài sản 2.044 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Công ty đã giải phóng 29% giá trị hàng tồn kho. Ngược lại, khoản tiền và tương đương tiền gia tăng 19% lên 720 tỷ đồng.
Vissan có lượng giết mổ heo chiếm 9,47% của TP.HCM. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, công ty đã tăng công suất giết mổ lên 1.000 -1.500 con heo/ngày, chiếm 26,55-28,6% lượng tiêu thụ ở TP.HCM |
Trên thị trường chứng khoán, tính đến 10h41 phút ngày 29/7, cổ phiếu VSN hiện ở mức 26.300 đồng/cổ phiếu. Với quy mô vốn điều lệ 809 tỷ đồng, tương đương 80,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu nửa đầu năm đạt 558 đồng.
Hiện Tổng công ty Thương mại Sài gòn (Satra) là cổ đông lớn nhất sở hữu 67,76% vốn. ANCO - một công ty thành viên của Tập đoàn Masan nắm 24,94%. Còn lại, chỉ hơn 5,9 triệu cổ phiếu (7,3% vốn điều lệ), đang nằm trong tay các cổ đông nhỏ lẻ. Thanh khoản cổ phiếu này vì vậy cũng ít ỏi.
Vissan có lượng thịt heo giết mổ chiếm 9,47% của TP. HCM lúc bình thường. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, công ty đã tăng công suất giết mổ lên 1.000 -1.500 con heo/ngày, chiếm 26,55-28,6% lượng tiêu thụ ở TP.HCM khi thực hiện giãn cách. Tình hình trước mắt, TP. HCM sẽ điều tiết về các cơ sở giết mổ khác để bù đắp nguồn thịt thiếu hụt.
Vissan là đơn vị cung ứng thịt heo lớn nhất cho TP.HCM. Doanh nghiệp sở hữu hệ thống phân phối rộng gồm 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống 49 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc.
Hiện tại, ngoài 42 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan, công ty này cung cấp thịt heo tươi sống cho hàng ngàn điểm bán thuộc hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Satra Mart, Satra Foods, Aeon Citimart, Aeon, Vinmart, Vinmart+, MM Mega Market...
Nếu tính theo kế hoạch năm 2021, tổng doanh thu dự kiến đạt 5.100 tỷ đồng, thì chỉ cần tạm ngưng kinh doanh 30 ngày, Vissan sẽ bị mất hơn 400 tỷ doanh thu.
Bên cạnh việc thu hẹp quy mô tài sản, số lượng người lao động tại Vissan cũng giảm thêm 74 người trong nửa đầu năm, xuống còn 4.166 nhân sự. Quy mô nhân sự của công ty từng có thời điểm vượt trên 5.000 người nhưng đã liên tục giảm, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay.
Với sự tạm dừng sản xuất của Vissan, TP.HCM vẫn còn nhiều nhà cung ứng thịt heo khác để đảm bảo hàng hóa cho người dân trong đợt dịch.
Theo Người Đưa Tin