thu hồi chiếc ô tô bà đang điều khiển theo kiểu “cướp tài sản” thì mới đây, ông Phạm Đình Khang - Giám đốc Công ty CP Vận tải Hưng Hà, Thái Bình cũng vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng tố giác Ngân hàng TP Bank cưỡng đoạt tài sản có tổ chức khi bị khoảng 20 xe máy chặn, chửi bới, đe doạ và thu hồi xe ô tô khách BKS 17B-01353 giữa đường gây hoảng loạn và mất ATGT cho hành khách.
Thu hồi tài sản theo kiểu “chợ búa”
Gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng và Tạp chí GTVT ông Phạm Đình Khang phản ánh, do có nhu cầu mua ô tô để kinh doanh vận tải hành khách nên năm 2016, gia đình ông có vay của Ngân hàng TMCP Tiên phong, Chi nhánh Hoàng Mai và mua 01 xe ô tô vận tải hành khách mang nhãn hiệu SAMCO loại 29 ghế góp vốn Cổ phần vào Công ty CP Vận tải Hưng Hà, Thái Bình để kinh doanh vận tải khách tuyến Hưng Hà, Thái Bình – Hà Nội. Tài sản đảm bảo là 01 xe ô tô hiệu SAMCO BKS 17B-01353. Về phía Ngân hàng, số tiền lãi gốc nhận được hàng tháng là hơn 20 triệu đồng; về phía ông Phạm Đình Khang, sẽ được toàn quyền quản lý và sử dụng tài sản.
Trong quá trình kinh doanh từ thời điểm vay mua xe đến hết tháng 02/2020, gia đình ông Khang luôn chấp hành trả nợ gốc lãi theo hợp đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc cách ly xã hội nên từ đầu năm 2020 đến nay, lượng hành khách đi lại trên cả nước giảm mạnh. Hoạt động vận tải khách của Công ty CP vận tải Hưng Hà cũng gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên phải bù lỗ.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Công ty Hưng Hà đã có đơn đề nghị Hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19 nhưng phía Ngân hàng TP Bank không phản hồi |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 10/3/2020, ông Khang đã có đơn gửi Ngân hàng TMCP Tiên phong, Chi nhánh Hoàng Mai đề nghị hỗ trợ. Bà Quỳnh - nhân viên ngân hàng Tiên Phong thuộc chi nhánh Hoàng Mai đã tiếp nhận đơn trên. Đến tháng 6/2020, sau khi nhận được thông báo từ bà Quỳnh, bản thân ông Khang đã ra ngân hàng Hưng Hà trực tiếp chuyển nộp 23.000.000 VNĐ đến Ngân hàng TPBank Chi nhánh Hoàng Mai theo hợp đồng.
Tuy nhiên, ngày 03/7/2020, khi chiếc xe khách mang BKS 17B-01353 của Công ty CP Vận tải Hưng Hà đang chở hành khách về bến Gia Lâm thì bị một nhóm khoảng 20 người đi xe máy xưng danh là nhân viên ngân hàng TP Bank chặn lại, rồi ép lái xe ký xác nhận bàn giao xe.
Nhớ lại sự việc trên, anh Phạm Đình Thảnh, là lái xe trên chuyến xe bị thu giữ cho biết: Khoảng 16 giờ ngày 03/7/2020 trên đường xe 17B-01353 di chuyển từ Bến xe Gia Lâm về Hưng Hà, qua địa phận Ngã ba Cầu Chui thuộc quận Long Biên (Hà Nội) xuất hiện khoảng 20 thanh niên như xã hội đen dùng xe máy chặn đầu và đuôi xe ô tô lại. Khi anh chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì một số thanh niên đã tràn lên xe, hò hét đuổi hành khách và bắt đầu chửi bới, doạ dẫm lái xe và phụ xe.
Chiếc xe ô tô hiệu SAMCO mang BKS 17B-01353 bị Ngân hàng TP Bank thu giữ khi đang lưu thông và chở hành khách |
“Khi tôi và phụ xe can ngăn thì các đối tượng tiếp tục lớn tiếng đe doạ. Đặc biệt, nhóm thanh niên này ép tôi phải ký vào biên bản bàn giao xe đã được phía ngân hàng TP Bank biên soạn sẵn. Dù biết mình không có quyền bàn giao xe (vì không thuộc sở hữu tài sản) nhưng do bị đe doạ nên tôi đã ký vào biên bản và giao xe”, anh Thảnh nói.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự?
Qua trao đổi với ông Khang, chúng tôi được biết thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn yêu cầu Ngân hàng TPBank làm rõ gói hỗ trợ của Ngân hàng TPBank với trường hợp của ông Khang. Các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc theo đề nghị của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban dân nguyện Quốc hội.
Về mặt pháp lý, việc thu hồi tài sản để bảo đảm việc trả nợ phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục luật định. Đối với sự việc của ông Phạm Đình Khang, giống như một buổi cưỡng chế thi hành án nhưng ở đây lực lượng thi hành án lại là cán bộ ngân hàng. Theo quy định của pháp luật thì ngân hàng, cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án.
Đồng thời việc cưỡng chế kê biên tài sản chỉ được cơ quan thi hành án thực hiện sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật (quy định của Luật thi hành án dân sự). Kể cả phía ngân hàng có đưa ra biên bản có chữ ký của đại diện bên Công an, UBND nhưng cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án. Vậy mà trong trường hợp này, phía Ngân hàng TPBank đã ép lái xe là ông Phạm Đình Thảnh ký Biên bản bàn giao thu giữ tài sản chứ không phải là ông Phạm Đình Khang ký. Ông Phạm Đình Khang hoàn toàn không biết trước vụ việc này. Trước đó ông Khang cũng không được thông báo quá hạn nợ.
3 thông báo thu giữ tài sản của Ngân hàng TP Bank chi nhánh Hoàng Mai chỉ được gửi cho công ty khi tiến hành cưỡng chế thu hồi tài sản giữa đường |
Về trình tự thu hồi tài sản thế chấp, theo quy định của pháp luật, nếu một trong hai bên (bên thế chấp tài sản và Ngân hàng) có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mình thì ngân hàng hoặc bên có tài sản thế chấp phải khởi kiện tới toà án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu phía Ngân hàng thắng kiện, bản án có hiệu lực pháp luật của toà án tuyên bố ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì ngân hàng có quyền gửi đơn tới cơ quan thi hành án để yêu cầu cưỡng chế.
Việc tự ý dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc… nhằm thu hồi nợ có thể bị xử lý về tội Cướp có tổ chức được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự. Phía Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản trong trường hợp xử lý nợ xấu nhưng phải đáp ứng các điều kiện pháp luật, ít nhất trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm, ngân hàng phải gửi văn bản thông báo cho bên bảo đảm và UBND cấp phường, xã nơi tiến hành thu giữ tài sản. Việc thu hồi tài sản hay nợ khi chưa có bản án quyết định của toà án chỉ được khi khách hàng đồng ý, tự nguyện giao tài sản và có thoả thuận. Nếu khách hàng không đồng ý thì ngân hàng phải khởi kiện ra toà án để giải quyết theo đúng trình tự, không được ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản và làm công việc thay cơ quan nhà nước.
Phiếu báo tin của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét giải quyết vụ thu hồi tài sản giữa đường của Ngân hàng TP Bank |
Ông Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP. HCM khẳng định: “Việc đàm phán, thu hồi nợ thì có quyền nhưng ngân hàng không có quyền cưỡng chế buộc giao tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đe doạ, uy hiếp vì hành vi này có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản”. Theo đó, việc phía ngân hàng có hành vi như trên đối với tài sản của ông Phạm Đình Khang rất cần phải xem xét lại.
Ngày 3/9/2020, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Ngân hàng TPBank cho biết: Lý do thu hồi tài sản là do khách hàng còn nợ 245 triệu, chậm trả nợ kỳ 3. Thuộc nhóm nợ xấu cần chú ý. Ngoài ra, việc tiến hành thu hồi tài sản cũng đã được quy định rõ trong hợp đồng giao kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Lý giải tại sao doanh nghiệp đã có đơn xin hỗ trợ giản nợ nhưng ngân hàng TP Bank không hỗ trợ mà lại xiết nợ? Đại diện TP Bank cho biết: Nhân viên ngân hàng có nhắn tin, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ chứng minh kinh doanh bị sụt giảm. Tuy nhiên khách hàng không cung cấp, vì vậy ngân hàng không có cơ sở để hỗ trợ