Chẳng hạn, với nhiều giải pháp đưa hàng vào các nhà hàng, siêu thị trong nước, doanh thu tại thị trường Việt Nam của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 47%, đạt 329 tỷ đồng. Là một doanh nghiêp (DN) thuỷ sản sản xuất quy mô lớn, song hiện nay, doanh thu thị trường nội địa của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chỉ chưa đến 1% tổng doanh thu.
Để gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, cuối tháng 3/2024, Bách Hoá Xanh đã ký kết hợp tác chiến lược với Minh Phú để bán sản phẩm tôm tiêu chuẩn xuất khẩu trong chuỗi gần 1.700 cửa hàng bán lẻ của họ. Qua đó, phía Minh Phú hướng đến mục tiêu bán 3.000 tấn tôm/năm với doanh thu 500 tỷ đồng trên thị trường “sân nhà”.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu, nhiều DN thủy sản coi thị trường nội địa là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho DN. Chính VASEP cũng có 1 câu lạc bộ DN tiêu thụ hàng nội địa với 30 DN. Có những DN có doanh thu ở nội địa chiếm 30-50% tổng doanh số.
Thông tin từ VASEP, tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 và 12 tỷ USD và năm 2030, các DN cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới. Bên cạnh đó cần mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Thủy sản Việt Nam đã và đang có trình độ chế biến cao với nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Nhiều DN có sự đầu tư công nghệ, thiết bị để gia tăng các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao như dầu ăn, collagen, gelatin… đã được phát triển nhờ kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Ông Trần Bé Sáu - Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt - Úc cũng cho rằng cùng với việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, DN tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu; cũng như đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
Theo Báo Đại đoàn kết