Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, song đã có dấu hiệu suy giảm ở lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Số liệu cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 11,23%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt khoảng 109 nghìn tỷ đồng, giảm 6,76% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,57%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 795,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,71%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,58%.
Riêng ở mảng bảo hiểm nhân thọ, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 30.966 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng Hãng bảo hiểm Manulife Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm đã đạt hơn 3.800 tỷ đồng.
Thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 11,7 triệu hợp đồng có hiệu lực. Ước tính, khoảng 10% người dân tham gia hợp đồng bảo hiểm. Nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là Bảo Việt nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA.
Nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng, lấy ý kiến các cơ quan liên quan dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP; nghiên cứu dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Theo Tạp chí Tài chính