Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Đằng sau đô thị tiềm ẩn những thảm họa

TDVN 19:20 02/06/2020

“Nếu thất bại trong quá trình đô thị hóa,chúng ta cũng sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa”– câu nói của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Đô thị 2009 đã thành hiện thực

Năm 2019, GDP của hai thành phố lớn nhất (TP.HCM và Hà Nội) chiếm đến 42% GDP cả nước, khi diện tích chỉ chiếm 1,6% và dân số 17%. Tuy nhiên, hãnh diện đô thị chỉ như ảo ảnh, khi ba năm liền, dân số tăng thêm hơn 3 triệu nhưng TP.HCM tăng GDP không đáng kể do mô hình tăng trưởng tới hạn, hầu như các đô thị bị lệ thuộc nền kinh tế đất khó kiểm soát hình thái phát triển, nhiều năm hạn mặn cháy đất Đồng bằng sông Cửu Long làm tăng nhanh dòng di cư vào đô thị, lũ lụt triền miên với đỉnh triều 2,4m ở trung tâm Sài Gòn cũ, và nay là đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán lan rộng ra toàn cầu…

Đô thị hóa không phải là tất cả, mà dường như hé mở cuộc lội ngược dòng của chính nó, chỉ để tồn tại.

Thời của đô thị – ảo ảnh xanh

Tăng trưởng kinh tế đang định nghĩa lại hình thái của các khu vực đô thị và mối quan hệ giữa các thành phố, cũng như các quốc gia. Tích tụ dân số, tập trung công nghiệp và thương mại, xấp xỉ 75% tổng sản phẩm đến từ đô thị đã gia tăng sức hấp dẫn của các thành phố. Đô thị hóa đã chiến thắng, ít nhất là tại châu Á với sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất khi đồng lòng coi tăng GDP như một phép mầu.

Hiện tượng bụi mịn, sương mù quang học gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội tháng 11.2019. Ảnh: Internet

Trung Quốc đã thông qua kế hoạch 5 năm tới sẽ phát triển đô thị bao trùm 80% dân số và có 3 vùng siêu – siêu đô thị (Mega Megapolis): Kinh-Tân-Ký gồm 9 thành phố lớn khoảng 110 triệu dân; Tam giác châu Chu Giang gồm 11 thành phố lớn khoảng 63 triệu dân; Tam giác châu Trường Giang gồm 22 thành phố lớn khoảng 90 triệu dân. GS. Lư Đạt Đạo (Chủ tịch Hội địa lý) nhận xét ngạo mạn “Trung Quốc chỉ cần 22 năm để đưa tỷ lệ đô thị hóa lên 40%, nước Anh cần 120 năm, Hoa Kỳ cần 80 năm và Nhật Bản cũng phải gần 40 năm”. Thật vô tiền khoáng hậu vì cho đến nay chỉ vài thành phố trên thế giới có ngưỡng 20-25 triệu dân mà bế tắc đô thị đã đến đỉnh (New York 25 triệu dân và 60 triệu du khách/năm hứng thảm họa kép khi đại dịch COVID-19 với số người chết chiếm 50% số tử vong cả nước Mỹ).

Ấn Độ cũng đang là minh chứng khi đưa đô thị là trung tâm kinh tế vào năm 2030: Cung cấp 70% việc làm mới, tạo ra 70% GDP, trong đó chỉ riêng nền kinh tế Dehli kỳ vọng sẽ lớn hơn cả Malaysia hiện nay (1079 tỷ USD). Sự hưng phấn đô thị chỉ tạm lắng khi dự báo Dehli sẽ hứng thảm họa nặng nề nhất khi có dịch COVID-19.

Đô thị hóa không còn giới hạn trong phạm vi một thành phố, đô thị, một vùng lãnh thổ hay quốc gia mà mở rộng trên quy mô liên quốc gia và toàn cầu. Dân cư đô thị được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới. Dân số đô thị thế giới đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 1950, năm 2050 thế giới có 9,15 tỷ người, trong đó 2/3 là dân đô thị, chiếm 68% lên đến 6,2 tỷ người (Tổ chức Kinh tế thế giới – OECD 2019). Bốn mươi năm tới, nhân loại cần xây gấp đô thị cho khoảng 3 tỷ người, chủ yếu ở những nước đang phát triển (Trong suốt 2.500 năm trước, loài người mới xây đủ đô thị cho 3 tỷ người). Thật không tưởng.

Đáng nói, các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích đất đai, song tiêu thụ tới 75% nguồn lực thế giới và tạo ra một cơ số tương tự lượng rác thải với những hậu quả có tính tàn phá đối với môi trường và sức khỏe của cư dân đô thị.

Các con số đột biến và ẩn chứa hiểm họa

Dẫn dắt bởi những người di cư trẻ, đô thị hóa ở Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á, tăng 3% mỗi năm kể từ 2010 so với trung bình khu vực là 2,5%. Đặc tính này chủ yếu do quá trình di dân nông thôn – đô thị thúc đẩy. Đến 2009, mỗi năm 1,2% dân di chuyển khỏi nơi gốc, trong đó di cư đến TP.HCM là 30% và Hà Nội là 10%. Xu hướng ly hương càng tăng nhanh từ 2015 đến nay, chủ yếu ở độ tuổi 20 – 29. Đô thị bành trướng do được tiếp sức từ quá trình dịch cư nông thôn, dễ hiểu tại sao gia tăng các khu dân cư tự phát bên rìa thành phố, chúng được giấu đằng sau vô số khu đô thị hiện đại, những khu quy hoạch mới. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ thị trường bất động sản rất sôi động, kéo theo nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất.

Sài Gòn có những ngày chẳng khi thấy được bình minh và hoàng hôn một cách đúng nghĩa do ô nhiễm không khí. Ảnh minh hoạ

Bắt đầu đô thị hóa, năm 1989, đô thị Việt Nam chiếm 5% diện tích và dưới 13% dân số. Thời điểm đó, cả nước có 62 đô thị, chỉ duy nhất TP.HCM dân số hơn 1 triệu người, một đô thị 0,5-1 triệu người (Hà Nội), 18 đô thị dân số 100.000-500.000 người, 42 đô thị còn lại dưới 100.000 người. 20 năm sau, năm 2009, dân số đô thị ước tính chiếm 30% dân số. Và năm 2020 dân đô thị gần 40% với 811 đô thị – con số đô thị gấp 13 lần với kỳ tích là 2 thành phố trên 10 triệu dân. Dự tính đến 2030 dân số đô thị tăng đến 50% với hơn 50 triệu người (theo Tổng cục Thống kê và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc).

Năm 2019, thống kê chính thức dân số TP.HCM là 8,9 triệu dân và Hà Nội sau khi phình to đột ngột là 8,11 triệu. Than ôi thành phố không phải nơi chỉ để ngủ và đăng ký hộ khẩu, mà luôn có thêm 1/3 dân co dãn theo chân việc làm, cơ hội, du lịch và trao đổi… dẫn đến TP.HCM có số dân sinh sống thực trên 13 triệu và Hà Nội là 11 triệu người. Nếu không có chính sách đô thị hóa hợp lý, 2 thành phố này sẽ tăng tự phát dân số lên 15 – 20 triệu để gia nhập 20 siêu thành phố lớn nhất thế giới. Cả 2 thành phố, theo ý chí lãnh đạo kỳ vọng sẽ đóng vai con gà đẻ trứng vàng, đã không còn giải pháp đáp ứng đủ nhà ở, hạ tầng, việc làm, giảm ô nhiễm và dính kết xã hội trong thời gian quá ngắn như vậy, nói chi đến tăng trưởng và ứng phó thảm họa, dịch bệnh.

Đáng buồn hơn nữa, hơn 600 đô thị loại 5 và 6 đang gồng mình thành đô thị (khi phải đi vay diện tích và dân số vùng nông thôn liền kề cho đủ chuẩn lên đô thị), khó kiếm đủ nguồn lực đầu tư để có kinh tế và nơi chốn theo đúng nghĩa đô thị.

Đô thị Việt Nam đi lên với hình thái dàn trải, phát triển xôi đỗ với chủ yếu là nền kinh tế hộ gia đình, liệu có đương đầu với tương lai bất định nhiều thảm họa của thế kỷ XXI?

Điểm nghẽn và sụp đổ đô thị?

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 5 điểm nghẽn lớn đối với tương lai đô thị Việt Nam:

1. Trình độ lao động đô thị thấp (năm 2015 có 80% lao động đô thị không bằng cấp chuyên môn), lại chỉ tập trung lao động bậc cao ở thành phố lớn.

2. Hạ tầng giao thông yếu kém khi đất giao thông Hà Nội bình quân đầu người là 4,8m2, TP.HCM là 2,9m2, bằng 20-25% chuẩn quốc tế. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh, sử dụng ô tô cá nhân ồ ạt làm tắc nghẽn đô thị, trong khi giao thông công cộng chỉ gánh được 8 – 11% (số lượng xe cá nhân bán ra tăng 39%/năm, dẫn đầu Đông Nam Á).

3. Đô thị hóa đi kèm với thách thức môi trường nghiêm trọng gây nguy cơ cho sức khỏe dân cư và nền kinh tế (chỉ riêng bụi mịn PM theo chuẩn WHO là 20 ug/m3/năm, thì Hà Nội là 150-180 ug/m3 và TP.HCM là 96 ug/m3).

4. Bành trướng đô thị lấn vành đai nông nghiệp và tự nhiên ở ngoại vi, phát triển lạc hậu về hình thể theo mảng, biến tướng về chức năng (theo vết xe đổ mở rộng Hà Nội năm 2008, khi ôm trọn hành lang xanh gồm hơn 1.000 làng cổ xứ Đoài, vành đai nông nghiệp sông Nhuệ, lấn xứ Mường huyền thoại Hòa Bình và vùng đất thiêng Mê linh, tức đã “thanh toán” vùng xanh ngoại vi bao bọc Hà Nội mà vẫn chưa hình thành được cấu trúc)

5. Dân cư đô thị đang thực sự mất kết dính xã hội, đánh mất dần gốc văn hóa bình đẳng làng xã lấy cộng cảm cộng đồng ngàn năm để phát triển.

Và những thảm họa đô thị không chỉ dừng lại khi đại dịch Covid-19 lây lan hầu như ở vùng đô thị toàn thế giới với dự báo dịch bệnh sẽ nhiều hơn và nặng nề hơn tại các siêu đô thị, vốn đã bị tổn thương sâu sắc trước đó. Suốt 3 tháng qua, con số nhiễm bệnh và người chết liên tục đứng trên trang nhất tin tức quốc tế với hơn 2 triệu người mắc và trên trăm ngàn người chết.

Điều ám ảnh là sự bất lực và đau thương tột độ. Tổ chức từ thiện Oxfam ngày 10.4 công bố báo cáo ước tính tác động của đại dịch lên tình trạng nghèo đói toàn cầu vì thu nhập giảm 20% và số người sống trong nghèo đói cùng cực lên tới 922 triệu (sống với 1,9 USD/ngày trở xuống). Thế giới đô thị tụt lùi xuống 3 thập niên trước và là thảm họa vượt quá các dự báo của tích tụ đô thị. Vùng đô thị Tokyo chiếm 1/3 GDP cả nước (tương đương GDP Canada) giảm 18% GDP quý I. Vùng New York, thủ phủ tài chính toàn cầu chìm sâu xuống đáy khi chiếm 50% dịch bệnh nước Mỹ. Vùng London (Anh) và vùng Ile-de-France (Paris) gánh chịu thảm họa này bằng 40% cả nước…

Thảm họa đô thị ngày càng lớn và đa dạng, bất hạnh thay những vùng đô thị cực lớn về dân số có nền kinh tế toàn cầu hóa, là biểu tượng cho thịnh vượng hào nhoáng lại lây lan dịch bệnh nhanh nhất và tỏ ra bất lực nhất. Có thể khẳng định điều còn lại sau dịch bệnh là nỗi kinh sợ đám đông vô căn tính và môi trường cao tầng nhân tạo vô nhân tính của các siêu đô thị, vốn sinh từ nước Mỹ.

Đô thị đang chống lại loài người, đánh dấu sự sụp đổ của kỷ nguyên duy lý và chỉ còn sự hoài nghi ở lại.

Những vấn đề đứng lại sau thảm họa

Vấn đề của các thành phố và cư dân đô thị sau thảm họa là họ đang bị ngạt thở bởi chính trái ngọt thành công đô thị, kéo theo cả hành tinh cũng đang gặp nguy hiểm từ sự thành công này. Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước dấn sâu vào đô thị hóa với bầu sữa của kinh tế bất động sản có nguy cơ đổ vỡ về đô thị trong tương lai. Động lực kinh tế đất, coi trọng tăng trưởng, bỏ quên con người, sự bóp nghẹt sáng tạo, tự chủ của các thành phố, sự đông đúc quá mức và bất bình đẳng xã hội là những nguyên nhân chính.

Các ảnh chụp vệ tinh cho thấy trước đại dịch COVID-19, lượng NO2 gây ô nhiễm trầm trọng cho chất lượng không khí tại các đô thị lớn của Trung Quốc. Ảnh: Internet

Chính sách đô thị hóa của Việt Nam còn lệch lạc, biểu hiện ở nâng cấp đô thị cho nợ diện tích và dân số, đánh đổi nông thôn để mở rộng đô thị, mỗi tỉnh hiện đang quy hoạch chạy trước quy hoạch vùng và quốc gia, trái Luật Quy hoạch và sẽ cắt rời tính liên tục không gian làm mất hiệu quả đô thị. Đô thị hóa bằng mọi giá như vậy sẽ làm nó liên tục phình to và rỗng về chất (do đầu tư công yếu nên thiếu tính dẫn hướng không gian, phụ thuộc dự án tư nhân và đặc biệt không hình thành nổi các khu vực công cộng và công ích).

Cuối 2019, Bộ Xây dựng đã thông qua khung thực hiện chương trình phát triển đô thị với hàng loạt hỗ trợ pháp lý để tăng tốc đô thị (gồm 6 chính sách phát triển). Tuyệt không có một chính sách nào đề cập sức chống chịu đô thị và đối phó thảm họa. Đơn giản là chưa có dự báo mặt trái của đô thị và ngân sách dự phòng cho thảm họa, hay là sự hồn nhiên của thói vô trách nhiệm, hay thiếu tri thức và lương tâm với số mệnh hàng chục triệu dân đô thị và tài sản đời người của họ?

Từ góc độ văn hóa, nhiều học giả gợi mở đô thị hậu hiện đại nên tránh tính chất phi nhân tính khi phá hủy tự nhiên và nông nghiệp ngoại vi để chuốc lấy một nỗi đau dai dẳng, mang tính tâm thức được gọi là “Người thành phố cô đơn”. Và rồi bất lực khi gánh thảm họa vì tự tích tụ quá sức mang của trái đất, các đô thị cũng phải biết sợ và tiết chế lại. Liệu đô thị Việt với cả cội nguồn ngàn đời chung sống với tự nhiên và được bao bọc trong lòng những làng quê êm đềm có thể lội ngược dòng mà thức tỉnh.

Câu hỏi lừng lững ấy vẫn đứng lại sau thảm họa Covid-19: Đô thị Việt Nam có khả năng kiểm soát thảm họa và dịch bệnh?

Theo Tạp chí Kiến trúc

Link gốc : https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/do-thi-dang-sau-nhung-tham-hoa.html

Bạn đang đọc bài viết Đằng sau đô thị tiềm ẩn những thảm họa tại chuyên mục Kiến trúc phong thuỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kiến trúc phong thuỷ