Dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư trước đây đã nổi đình đám vì quy mô hoành tráng và giá đắt đỏ. Rất nhiều kì vọng, trông chờ đã được đặt vào D’. Palais De Louis, tuy nhiên dự án này đã kéo dài thời gian thi công hơn dự kiến và đã dính phải một số sai phạm.
|
Dự án D’.Palais de Louis cao 32 tầng, tọa lạc tại số 6 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội phát hiện nhiều sai phạm |
D’. Palais De Louis được biết đến là nơi có căn hộ "Đế vương" xa xỉ và đẳng cấp
Cuối năm 2009, Tân Hoàng Minh khởi công dự án D’.Palais de Louis. Dự án tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy (đối diện công viên Nghĩa Đô). Dự án cao 27 tầng và 4 tầng hầm, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 4.791m2. Diện tích đất xây dựng là 2.318 m2, tương đương với mật độ là 48,4%.
Tổng mức đầu tư được giới thiệu khoảng 4.000 tỷ đồng, do Công ty Katsuki Archidesign Inc của Nhật Bản lấy ý tưởng từ cung điện Versailles.
Dự án này được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, Ý cổ điển. Dự án đã từng khiến giới bất động sản phải trầm trồ vì lời tuyên bố của Tân Hoàng Minh, rằng sẽ xây dựng một công trình xa hoa, lộng lẫy mang vẻ đẹp vĩnh cửu, nội thất sang trọng hiện đại bậc nhất với các thương hiệu hàng đầu Italia như Longhi, Bamax, Dragan. Thậm chí, công tắc điện cũng được mạ vàng, thiết bị vệ sinh Kohler mạ vàng, mạ bạc.
Dự án đã từng được kì vọng là nơi có những căn hộ “Đế vương” được dát vàng và trang bị những nội thất đẳng cấp thế giới. Theo đó, mức giá của căn hộ tại đây cũng thuộc mức “khủng”, lên tới 145 triệu đồng/m2, khiến không ít người tò mò về mức độ sang trọng của dự án.
Dự án được cho là nơi hội tụ những giá trị vàng của một dự án bất động sản cao cấp: Vị trí chiến lược với tầm nhìn rộng lớn, thiết kế đặc trưng từ kiến trúc sư danh tiếng, nội thất cao cấp được chế tạo tinh xảo và tiện nghi ưu việt.
Với mức giá đó, người mua phải bỏ ra 13-27 tỷ đồng (1,3 triệu USD) để sở hữu căn hộ. Thậm chí, khách mua các căn penthouse tại đây phải trả vài chục tỷ đồng đến 100 tỷ đồng.
Chậm tiến độ và từng mắc nhiều sai phạm
Kì vọng là vậy, tuy nhiên, dự án lại bị chậm tiến độ khá lâu so với ban đầu chủ đầu tư tuyên bố và liên tục phải giãn tiến độ khiến năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư do tiến độ không như cam kết. Đến khoảng năm 2016 mới tiến hành mở bán trở lại và được cho là sau cái bắt tay với Tập đoàn Vingroup.
Ngoài việc chậm tiến độ, dự án này cũng từng dính hàng loạt sai phạm trong quá trình xây dựng. Theo đó, vào cuối tháng 6/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án này.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra tại dự án này, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số thí nghiệm theo quy định hoặc kết quả thí nghiệm lập không đúng quy định. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng vi phạm pháp luật trong câu chuyện nghiệm thu thanh toán khối lượng, giảm giá trị hợp đồng 910.000 USD.
Nghiêm trọng hơn, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện tại dự án nói trên có 8 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng.
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng để nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát về thực hiện nghĩa vụ tài chính của Tân Hoàng Minh do có điều chỉnh tăng diện tích sàn xây dựng căn hộ và diện tích sàn kinh doanh. Dự án đã tăng gần 3.200m2 diện tích sàn căn hộ và gần 527m2 diện tích kinh doanh.
Với các vi phạm trong hoạt động xây dựng tại dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thanh tra Bộ Xây dựng còn xử lý kinh tế với dự án ở Nguyễn Văn Huyên, theo đó, giảm trừ số tiền 910.000 USD trước khi quyết toán với Công ty tư vấn xây dựng Meinhardt.
Với Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản tại dự án. Đồng thời, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng phải báo cáo UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh diện tích sàn căn hộ và diện tích sàn kinh doanh tại dự án trên để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung nộp Ngân sách Nhà nước; rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản tại dự án.