Mối quan hệ với Ecopark để kẻ tung người hứng!
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Vườn Vạn Tuế được xây dựng trên diện tích từng được phê duyệt chủ trương đầu tư là dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Cụ thể, toàn bộ diện tích gần 51.000 m2 đất được UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản từ năm 2002 với nội dung đồng ý cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Văn Giang thuê để thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tunnel trong thời hạn 50 năm.
Sau đó, vào năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định cho phép Công ty Đại Hưng thay thế Công ty CP Vật liệu xây dựng Văn Giang trở thành chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch ngói tunnel tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Một điểm rất đáng chú ý là, ngày 29/2/2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định Chủ trương đầu tư số 22/QĐ-UBND; ngày 11/6/2016, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng có văn bản số 193/CV-VH gửi UBND tỉnh Hưng Yên về di dời nhà máy gạch của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Vật liệu xây dựng Đại Hưng đến vị trí khác.
Ngày 22/6/2016, Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Vật liệu xây dựng Đại Hưng có văn bản số 45/CV-ĐH gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất với lý do “để không ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan Khu đô thị Ecopark”.
Đúng một ngày sau, ngày 23/6/2016 UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản số 1296/UBND – KT1 đồng ý cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; ngày 16/11/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên có văn bản số 389 – TB/TU về điều chỉnh tên, mục tiêu dự án;…
Phải chăng việc xin đầu tư nhà máy gạch chỉ là cái cớ của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Vật liệu xây dựng Đại Hưng, còn mục đích thực là hình thành một dự bất động sản sát với khu đô thi danh giá Ecopark?
Phải chăng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng - Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Vật liệu xây dựng Đại Hưng đã cùng phối hợp để thực hiện cái đích nêu trên? Những người đứng đầu hai doanh nghiệp này là ai, có mối quan hệ gì với nhau?
Có thể nói, trước khi UBND tỉnh ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 22/QĐ-UBND, các cơ quan, ngành của tỉnh Hưng Yên và có khi là chủ nhân của Khu đô thị Ecopark đều đã được lấy ý kiến, thẩm định về quy hoạch, môi trường, định hướng phát triển khu vực, thậm chí khi được chấp thuận là nhà đầu tư nhà máy gạch, Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Vật liệu xây dựng Đại Hưng thừa thông minh để vạch ra chiến lược phát triển cho riêng mình chứ đâu phải vì lo ảnh hưởng tới Khu đô thị Ecopark, để rồi cả doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên “chạy theo ý kiến” của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng?!
Tuy nhiên, đến năm 2016, doanh nghiệp này bất ngờ thay đổi người đại diện pháp luật. Ở lần thay đổi này ông Nguyễn Công Huy sinh năm 1990 có địa chỉ thường trú tại tổ 33 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng – TP. Hà Nội) là người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng.
Không nhiều thông tin về ông Nguyễn Công Huy. Tuy nhiên, với dự án khu biêt thự và nhà phố Vạn Tuế (Sago Palm Garden) có thể khẳng định doanh nghiệp của vị Chủ tịch trẻ tuổi này đang sở hữu một khối tài sản không phải là nhỏ.
Với những sai phạm động trời tại dự án vườn Vạn Tuế, dư luận hết sức bức xúc và đề nghị lãnh đạo các Bộ ngành cũng như Chính phủ vào cuộc làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tình trạng dự án không phép xây dựng mở bán rầm rộ rồi đưa vào sử dụng và hợp thức hóa.
Phải chăng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đang xem thường vương pháp, ưu ái cho những doanh nghiệp bất chấp pháp luật triển khai dự án mà không cần các thủ tục.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trao đổi với lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ trong thời gian tới về trách nhiệm của lãnh đạo địa phương về việc này.
Theo Ngân Anh (Đầu tư VN/ Sở hữu trí tuệ)