Dự án Trung tâm thương mại, Văn phòng, Chung cư cao tầng Hesco là một trong những dự án trọng điểm nhà chung cư cho người có thu nhập trung bình khá, nằm trong chủ trương, kế hoạch phát triển đô thị về phía Tây của Hà Nội.
Dự án gồm 1 toà tháp đôi 50 tầng và toà nhà 45 tầng, căn hộ chung cư với 3 loại diện tích. Dự án có tổng diện tích 21.294,7m2. Trong đó diện tích xây dựng các công trình công cộng (nhà trẻ, hội trường, khu vui chơi…), quảng trường, và diện tích dành cho giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, bãi đỗ xe chiếm chiếm đến gần 11.000m2...
Chủ đầu tư dự án này thời điểm bấy giờ (trước 12/2015-PV) là liên danh Công ty CP thiết bị thuỷ lợi (Hesco) và Công ty CP bất động sản Megastar (Megastar Land). Tuy nhiên, vào tháng 10/2009, Megastar Land làm đại diện Chủ đầu tư đứng ra ký hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty CP đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long (gọi tắt là Công ty Hạ Long).
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009. Để móc được hầu bao của khách hàng, Công ty Hạ Long đã đưa ra hình thức “ưu tiên mua nhà hình thành trong tương lai tại dự án với chính sách ưu đãi” thu hút hàng trăm ‘nhà đầu tư’ rót tiền vào dự án này. Nhưng sau đó, dự án nằm bất động nhiều năm vì chủ đầu tư vướng vòng lao lý.
Đến tháng 12/2015, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chấp thuận việc chuyển đổi chủ đầu tư tại dự án Hesco Văn Quán. Chủ đầu tư mới là liên danh Hesco và Công ty CP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (Thăng Long Group).
Tưởng chừng, dự án khi về tay chủ mới sẽ khiến số phận của dự án rẽ sang một hướng khác đổi phận tốt hơn. Nhưng ngày vui “ngắn chả tày gang”, dự án lại chậm tiến độ khiến hàng trăm nhà đầu tư tiếp tục bị "mắc cạn" tài chính.
Theo đại diện của hàng trăm nhà đầu tư: “chúng tôi đã nộp 30% số tiền mua căn hộ từ 98m2 đến 118m2 với giá từ 16.500.000đ đến 18.500.000đ có hợp đồng và phiếu thu tiền. Với tiền chênh lệch từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng, không có phiếu thu, không ghi trong hợp đồng. Số tiền này được ký kết hợp đồng với Công ty Hạ Long”.Trước việc chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, để rồi dự án lâm cảnh bỏ hoang gần chục năm nay. Nhiều nhà đầu tư đã đi tìm nguyên nhân cho chậm tiến độ của dự án khó như việc tìm nguồn gốc của “quả trứng – con gà”. Để rồi họ phải cầu cứu tới cơ quan chức năng và báo chí.
“Sau khi chuyển giao, Công ty Thăng Long đã yêu cầu các nhà đầu tư góp vốn cho Công ty Megastar và Công ty Hạ Long photo hợp đồng, phiếu thu tiền, nộp về cho doanh nghiệp để làm căn cứ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và làm chứng cứ chuyển đổi hợp đồng với chủ đầu tư mới.
Tháng 6/2016, Công ty Thăng Long yêu cầu các nhà đầu tư ký bản cam kết đầu tư với sự đồng thuận kế thừa về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của tất cả chủ đầu tư (cũ và mới-PV) và khách hàng góp vốn. Việc ký này xảy ra 3 lần (tháng 6,7 và 10/2016) để gửi các nhà chức trách ủng hộ chủ trương chuyển giao dự án”, theo đại diện nhà đầu tư.
Sau đó, chúng tôi gặp lãnh đạo Công ty Thăng Long và nhận được những lời nói cam kết rằng chủ đầu tư mới sẽ kề thừa quyền và nghĩa vụ của dự án từ chủ cũ. Về phần tài chính vẫn bảo lưu số tiền đã nộp. Còn số tiền, số M2 còn lại được tính giá mới nhưng không quá 20 triệu/m2 và được chi làm 10 lần đóng nộp.
Tuy nhiên, dự án được tái khởi động từ đầu năm 2020 nhưng chủ đầu tư mới vẫn chưa có động thái (thông báo, ký thoả thuận) nào với khách hàng. Ngày 6/7/2020, chúng tôi đã gửi văn bản đến Công ty Thăng Long đề nghị cung cấp thông tin về thủ tục pháp lý dự án, phương án xử lý.
Sau đó, ngày 14/7, chúng tôi nhận được Công văn trả của Công ty Thăng Long do ông Trịnh Cần Chính ký. Nhưng nội dung văn bản trả lời thể hiện sự vô trách nhiệm, gây bức xúc và lo lắng cho các nhà đầu tư, đại diện khách hàng cho hay.
Để quý độc giả hiểu được nguyên nhân do đâu mà nhiều nhà đầu tư 'mắc cạn' tài chính tại dự án Hesco Văn Quán, PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ với đại diện của Thăng Long Group nhưng chưa nhận được câu trả lời.