Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Kiến nghị Bộ Công an điều tra sai phạm “triệu đô” tại Cty Đạm Hà Bắc

TDVN 14:51 26/05/2020

Ngày 25-5, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra đối với Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Kết luận đã chỉ ra nhiều dấu hiệu hình sự trong thực hiện dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy

Đến tháng 6-2019 lỗ lũy kế của Công ty Đạm Hà Bắc đã lên đến trên 2.887 tỷ đồng.

“Đứa con đầu lòng” của ngành đạm Việt Nam và khoản nợ nghìn tỷ đồng

Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy sản xuất phân đạm được xây dựng từ năm 1960 tại tỉnh Bắc Giang. Qua nhiều giai đoạn phát triển, ngày 1-1-2016, công ty hoạt động theo mô hình cổ phần, với tên Cty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (sau đây gọi tắt là Cty Đạm Hà Bắc). Được coi là “Đứa con đầu lòng” của ngành đạm Việt Nam, song Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) trong nhiều năm qua bị dư luận chú ý do Dự án nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.

Đạm Hà Bắc kết thúc quý I-2019 với mức lỗ sau thuế hơn 56,5 tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất hơn 53 tỷ đồng. Điều này đã khiến lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc tính tới ngày 31-3-2019 tăng lên 2.705,4 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn 65,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 31-3-2019, Đạm Hà Bắc có tổng tài sản hơn 9.463,7 tỷ đồng trong khi khoản nợ phải trả lên tới 9.398,2 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn 6.637.4 tỷ đồng. Đến tháng 6-2019 lỗ lũy kế của Công ty Đạm Hà Bắc đã lên đến trên 2.887 tỷ đồng.

Giải trình kết quả kinh doanh thiếu tích cực trong quý I-2019, lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết, tình hình tài chính của công ty đang hết sức khó khăn, chi phí tài chính, đặc biệt lãi phạt quá hạn tăng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cân đối đủ dòng tiền cho sản xuất liên tục.

Theo kết luận thanh tra mới nhất, năm 2015-2016, khi dây chuyền mới vận hành công ty đã từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhà máy cơ bản vận hành ổn định, các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ về cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản của công ty, trong đầu tư Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đã có những vi phạm, khuyết điểm.

Dấu hiệu vi phạm hình sự

Theo kết luận thanh tra, Công ty Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...). Nhưng Công ty Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến công ty không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí. Cùng với một số nguyên nhân khác, việc giá than tăng cao, chênh lệch tỷ giá tăng làm cho Dự án thua lỗ. "Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu (theo quy định tại Điều 222 - Bộ luật Hình sự năm 2015)" - Kết luận thanh tra nhấn mạnh.

Khi thẩm định, phê duyệt dự án năm 2008 (lần 1), Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam chỉ thẩm định tổng mức đầu tư dự án, không thẩm định các nội dung khác của Dự án là vi phạm quy định. Theo kết luận thanh tra, mặc dù tổng mức đầu tư của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tổng Công ty Hóa chất thẩm định phê duyệt (trên 392 triệu USD) là thiếu căn cứ, cơ sở. Năm 2009, dự án lại được điều chỉnh tổng mức đầu tư. Công ty Đạm Hà Bắc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng Công ty Hóa chất thẩm định, phê duyệt.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư ở thời điểm này tuy không thay đổi về quy mô, công suất, những nội dung về chi phí thiết bị không được làm rõ nhưng vẫn được Tổng Công ty Hóa chất thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lên mức gần 569 triệu USD, tăng trên 176 triệu USD (tăng 44,9%). Thanh tra Chính phủ kết luận việc điều chỉnh này là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Mặt khác, kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng năm 2008, khi thẩm định tổng đầu tư dự án ở mức 392,375 triệu USD, Tổ thẩm định đã nêu: “Dự án sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 20% hoặc giá U rê giảm 8%”.

Tuy vậy, năm 2009, dự án này lại được điều chỉnh tăng 44,9%, ở mức 568,646 triệu USD. Thanh tra Chính phủ kết luận: “Tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất kinh doanh là một trong nguyên nhân chính dẫn đến Dự án thua lỗ”. Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đặc biệt, dự án này khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; chậm tiến độ do phải điều chỉnh dự án, đấu thầu, lựa chọn EPC, giải phóng mặt bằng chậm. Đáng chú ý, Bộ Xây dựng lúc đó đã có ý kiến về điều kiện thực tế của vị trí xây dựng dự án, nhưng Công ty Đạm Hà Bắc đã không khảo sát kỹ… Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán. Vốn đầu tư có 82,1% là đi vay, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài. Nhiều nguyên nhân khác cũng khiến cho dự án kém hiệu quả dù những năm đầu có lãi.

Kiến nghị Bộ Công an điều tra

Theo kết luận thanh tra, dự án đầu tư cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đã có vi phạm quy định pháp luật trong tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, trong thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư dự án. Những vi phạm này có dấu hiệu hình sự, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải được xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Những vi phạm bao gồm: vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra nhấn mạnh, trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc về: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Đạm Hà Bắc; Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Ban Lãnh đạo Công ty Đạm Hà Bắc; các đơn vị, phòng, ban, cá nhân có liên quan thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) và Công ty Đạm Hà Bắc. Bên cạnh đó còn có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành.

THEO CÔNG AN NHÂN DÂN

Link gốc : http://cadn.com.vn/news/99_225387_kien-nghi-bo-cong-an-dieu-tra-sai-pham-trieu-do-ta.aspx

Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị Bộ Công an điều tra sai phạm “triệu đô” tại Cty Đạm Hà Bắc tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản