Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Trái đắng của Hà Nội tại dự án của Bitexco

TC MẶT TRẬN 06:05 30/08/2020

Dù dự án BT đường Nguyễn Xiển - Xa La vẫn thi công ì ạch, “rùa bò” khiến Hà Nội phải nhiều lần nới tiến độ nhưng phần đất đối ứng cho dự án đã được Bitexco triển khai xây dựng khu đô thị The Manor

Dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 4/2011. Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 1.500 tỷ đồng.

Dự án dài khoảng 3,76 km gồm một tuyến chính dài 2,5 km, nền đường rộng 53,5 m và một tuyến đường phụ dài 1,1 km, nền đường rộng 20,5 m. Công trình được thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Công ty Cổ phần Bitexco được UBND Thành phố Hà Nội chọn làm nhà đầu tư.

Dự án được phê duyệt từ năm 2011 và được “ưu ái” về nhiều mặt nhưng đến tháng 5/2014 mới khởi công xây dựng. Hợp đồng dự án kết thúc vào tháng 4/2017 (sau 36 tháng), tuy nhiên đến nay, sau hơn 9 năm, dự án đã đội vốn lên mức hơn 1.921 triệu đồng và vẫn chưa hoàn thành công tác thi công.

Sau vài lần gia hạn, Hà Nội lại tiếp tục “nhún nhường” cho Bitexco thêm thời gian lên tới 67 tháng tính từ năm 2014 để làm cho kỳ được mấy km đường “dát vàng” này.

Hồi đầu năm 2020, dự án đã cơ bản hoàn thành và cho thông xe tuyến số 1 cùng nút giao với đường vành đai 3, tuyến nhánh giao đường 70, tuyến số 5 giao với tuyến đường phía đông huyện Thanh Trì.

Tuy nhiên, hạng mục cầu trực thông giao với đường Phúc La - Văn Phú và nút giao đường 70 vẫn chưa được hoàn thành. Sau nhiều năm “hứa hẹn”, Bitexco nhiều lần đưa chính quyền và nhân dân Thủ đô đi từ kỳ vọng đến nỗi thất vọng.

Trong khi làm đường thì “đủng đỉnh”, dở dang, liên tục “vỡ tiến độ” và “trái tim” khu đô thị là công viên Chu Văn An vẫn là bãi đất hoang hoá thì phần đất đối ứng làm khu đô thị The Manor Central Park lại được Bitexco thi công rất nhanh, rao bán và thu tiền như để thu hồi vốn cho tuyến đường “đắp chiếu” nhiều năm.

Có thể thấy, tuyến đường 3,7km mà Bitexco thực hiện kéo dài đến gần 10 năm và phải tới đầu năm 2020 mới hoàn thiện. Đây là tuyến đường được gia hạn nhiều năm vì chậm tiến độ thi công. Nếu tính chi phí cơ hội song song giữa công trình tuyến đường và quỹ đất, Bitexco đã được hưởng lợi từ sớm khi nhanh chóng thu được dòng tiền từ sản phảm bất động sản trên đất.

Điều này được dư luận ví von, dự án The Manor Central Park của Bitexco sinh ra đã “ngập thìa vàng”, còn Hà Nội đang “thả gà ra đuổi” khi giao đất trước cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp không hoàn thiện công trình. Với cách làm trên, chính quyền Thủ đô đang cầm “đằng lưỡi” khi giao dự án cho Bitexco thực hiện.

Không chỉ nổi danh khi thi công đường với tốc độ “rùa bò”, Bitexco còn vưỡng “lùm xùm” về việc đội vốn “khủng”.

Thông tin trên nhiều cơ quan báo chí thời điểm đầu năm 2018 cho biết, theo kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội hồi tháng 4/2018, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Bitexco làm chủ đầu tư đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (Thông báo số 1785 ngày 19/7/2017), tổng vốn đầu tư dự án BT Chu Văn An từng bị phê duyệt tăng thêm 12 tỷ đồng do tính sai khối lượng, đơn giá và định mức.

Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 15,9 tỷ đồng…

Trước những sai phạm đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Những tưởng là “ông lớn” xứng tầm, Bitexco lại gây thất vọng, bức xúc về tiến độ thi công quá chậm, ngổn ngang, cùng hàng loạt hành vi xây dựng tự do, bán nhà đất “chui” như “chốn không người” tại siêu dự án đô thị The Manor Central Park, không tuân thủ quy định Luật Bảo vệ Môi trường…

Sau khi báo chí phản ánh, ngày 17/6/2020, Tổ công tác của UBND huyện Thanh Trì đã làm việc với Công ty Cổ phần Bitexco để kiểm tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, thuế, phí và lệ phí tại dự án The Manor Central Park. Qua đó mới phát hiện ra việc Bitexco đã xây dựng một số căn nhà thấp tầng từ lâu nhưng không cung cấp được báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho hạng mục này. Dĩ nhiên, khi không có ĐTM thì dự án không được cấp phép xây dựng, dẫn tới công trình hiện hữu là xây chui, bán lậu...

Thực tế, hàng trăm căn biệt thự, liền kề đã mọc lên sừng sững, gần đây được rao bán lên tới 18-49 tỉ đồng/căn, với tổng giá trị ước tính thu về hàng nghìn tỉ đồng.

Để biện minh cho “nỗi oan thị Mầu” này, Bitexco viện dẫn: ngày 24/5/2012, UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định 2245/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn bộ dự án (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và nhà ở) và lấy đây là căn cứ để khẳng định dự án The Manor Central Park đã được phê duyệt ĐTM tổng thể cả dự án từ năm 2012.

Thế nhưng các tài liệu và thực tế lại đang cho thấy sự gian dối, lấp liếm việc thiếu ĐTM cho những hạng mục nhà triệu đô mà Bitexco đã bán rầm rộ từ lâu. Được biết, năm 2016 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu Bitexco làm ĐTM chung cho toàn bộ dự án, thay vì bổ sung cập nhật đơn lẻ cho từng hạng mục như trước đây khi cố “kì kèo” xin riêng ĐTM cho phần nhà ở thấp tầng. Ngay cả đơn vị bán hàng CENLand cũng cố tình thông tin kiểu “lập lờ”, sai sự thật về pháp lý dự án này, nhằm lôi kéo, huy động vốn từ hàng trăm khách hàng đặt mua vào giai đoạn bán nhà đất năm 2018 khi Bitexco chưa hề có ĐTM cho phần nhà ở thấp tầng.

Đến giờ, khi bị kiểm tra và không thể lấp liếm sự gian dối thì Bitexco mới thú nhận “đang trình xin” và có thể có ĐTM trong thời gian tới.

Tại sao một đại dự án “khủng” với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến xây dựng và môi trường vẫn tồn tại mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Phải chăng có sự chống lưng của các cơ quan chức năng?

Đây cũng là dấu hỏi lớn về đạo đức kinh doanh của Bitexco khi được Thành phố Hà Nội ưu ái giao quỹ đất “kim cương” để tạo ra lợi nhuận nghìn tỉ, song việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường, xây dựng lại bị Bitexco bỏ quên, phớt lờ.

Sau gần 20 năm tồn tại, hình thức BT đã mang lại không ít những “quả đắng” và Dự án BT đường Nguyễn Xiển - Xa La đổi lấy 89,9ha quỹ đất đối ứng giao cho Bitexco thực hiện là thực tế điển hình nhất cho “vết đen” khó phai mờ.

Hàng loạt các dự án xây dựng tại Hà Nội theo phương thức hợp đồng BT đang có vấn đề. Miếng bánh ngon nghẻ cách đây dăm năm bỗng chốc trở thành “trái đắng”. Bản chất “đổi đất lấy hạ tầng” lộ rõ tính hai mặt của thế thời.

Theo đánh giá của chuyên gia, các dự án có sai phạm, thì những đơn vị thẩm định không thể vô can, cùng với đó, để ngăn chặn “sân sau”, “lợi ích nhóm” cần phải sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý đối với dự án được thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư.

Một là, tình trạng chỉ định thầu là vấn đề chung của nhiều dự án BT. Các địa phương không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với nhà đầu tư dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Nhiều dự án chưa hoàn thiện nhưng đã giao đất đối ứng cho các nhà đầu tư để triển khai các dự án chung cư, biệt thự rao bán rầm rộ. Giá đất tại thời điểm đó thường rất thấp, sau khi được đầu tư hạ tầng, giá đất lên cao, nhà đầu tư thu lợi lớn.

Hai là, một số dự án BT được phê duyệt sau khi triển khai thi công và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt điều chỉnh một số nội dung không đúng quy định và còn sai sót, phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Có tình trạng ký hợp đồng chưa đúng quy định, không bảo đảm nguyên tắc ngang giá, không quy định cơ cấu tỉ lệ vốn.

Ba là, việc chỉ định nhà đầu tư, giao đất sai quy định đã thể hiện những điểm bất thường trong quá trình triển khai dự án BT, thất thoát ngân sách và nguồn lực nhà nước. Các chuyên gia kinh tế khi đánh giá về quá trình thực hiện dự án BT đã lưu ý phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, giao đất không thấp hơn với mức giá của thị trường đã định.

Để ngăn chặn lỗ hổng này, cần phải hoàn thiện quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đó, nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công cũng được quy định rõ. Giá trị tài sản công phải được xác định theo giá thị trường, theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán.

Bốn là, các cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch từ quá trình lập dự án, đấu thầu, thanh toán. Đặc biệt, cần giám sát quá trình triển khai để hạn chế tình trạng chậm tiến độ dự án BT nhưng lại "đòi" nhà nước thanh toán đất đối ứng để thu lợi. Cần thực hiện đấu thầu công khai nhằm tìm được nhà đầu tư có năng lực và triển khai nghiêm chỉnh, tránh đầu tư chỉ định sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho doanh nghiệp thân quen, dẫn tới tham nhũng, thất thoát nguồn lực đất đai.

Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn) sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Bạn đang đọc bài viết Trái đắng của Hà Nội tại dự án của Bitexco tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản