Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Cải tạo chung cư cũ và bài toán phá vỡ quy hoạch của các chủ đầu tư ở Hà Nội

TDVN 06:43 17/07/2020

Cải tạo chung cư vẫn là vấn đề nóng của thành phố dù đã được Hà Nội định hướng và thực hiện từ nhiều năm nay.

Từ năm 1996-1998, Hà Nội đã thí điểm cải tạo, xây dựng lại một số khu như khu Kim Liên, Văn Chương..., tuy nhiên chỉ đạt một số yêu cầu (khu Kim Liên làm được một số nhà), còn lại không thành công, thậm chí có khu phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần song đến giờ vẫn chưa giải tỏa hết.

Theo lời kêu gọi đầu tư vào năm 2016, 19 doanh nghiệp đã được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư, tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều khu chung cư cũ ở Hà Nội được đề xuất cải tạo

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đến nay đã có khung pháp lý về cải tạo chung cư, ví dụ các khu chung cư được xây tối đa bao nhiêu tầng. Trong quy định về chiều cao ở nội đô Hà Nội đã định rõ tất cả các khu chung cư cao nhất cũng chỉ được 24 tầng, như các khu ở Thành Công, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Đại học Thủy lợi, Trung Tự...

Tuy nhiên, trong quy định về chiều cao cũng đặt ra vấn đề: tại một số nút giao thông, một số điểm nhấn của toàn cảnh khu vực có thể làm cao hơn, tùy theo sự thỏa thuận với thành phố.

"Các chủ đầu tư đã khai thác, lợi dụng quy định chung này, kết quả là khi lập quy hoạch, phần lớn các phương án chủ đầu tư đưa ra đều phá vỡ quy hoạch chung và không tuân thủ theo quy hoạch dân số khống chế", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu rõ.

Vị chuyên gia dẫn chứng, trong 2 phương án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), có phương án xây mới 6 tòa chung cư với chiều cao từ 35-50 tầng.

Tương tự, trong 2 phương án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Đại học Thủy Lợi (quận Đống Đa, Hà Nội), Công ty CP Tập đoàn T&T đưa ra có phương án cho phép chiều cao tối đa các tòa chung mới lên 35 tầng. Bên cạnh đó, còn một hiện tượng lách luật khác.

"Hiện diện tích bình quân về đất ở trên đầu người ở Hà Nội là 27m2/người, dự kiến đến năm 2030 thì nâng lên 30m2/người. Thế nhưng thực tiễn, các chủ đầu tư lại lách bằng cách xây dựng các căn hộ quá lớn lên đến 100, 120, thậm chí 200m2/người. Như vậy, chỉ tiêu bình quân về diện tích đất ở trên đầu người quá cao, tạo thuận lợi cho họ chuyển nhượng căn hộ hoặc tách căn hộ để bán cho người khác kiếm lời, đẩy mật độ dân cư lên", vị chuyên gia chỉ rõ.

Để sớm giải quyết bài toán cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay, vị chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết đã được giao cho chủ đầu tư thực hiện nhưng giá như cơ quan quản lý làm quy hoạch trước, sau đó chọn chủ đầu tư thì tốt hơn.

Cùng với đó, vị chuyên gia lưu ý cần có cơ chế chính sách tái định cư. Mục tiêu của thành phố là phải giảm dân số trong nội đô, nhưng lại thực hiện quy định chung là đền bù tái định cư bằng 1,5-2 lần diện tích hiện có. Mỗi khu chung cư có vị trí khác nhau, Nhà nước nên có điều tra, cân đối, xác định chính sách cụ thể cho từng khu vực.

Theo TCDN

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ha-noi-cai-tao-chung-cu-cu-va-bai-toan-pha-vo-quy-hoach-cua-cac-cdt-d14148.html

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo chung cư cũ và bài toán phá vỡ quy hoạch của các chủ đầu tư ở Hà Nội tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án