Giá nhà tăng cao, người mua nhà lo lắng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.800 USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 7-8%.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn - cho biết: Bất động sản tăng quá nóng, đặc biệt là giai đoạn 2016-2018 khiến giá cả giao dịch vượt quá giá trị thật của tài sản.
Với loại hình chung cư và nhà riêng, tính riêng trong năm 2019, giá bán tại TP.HCM tăng trung bình 12%, còn tại Hà Nội là khoảng 6%.
Sang tới năm 2020, mặc dù chịu tác động của Covid-19 khiến thị trường trầm lắng song giá nhà cũng không có dấu hiệu giảm mà còn tiếp tục tăng.
Giá nhà ngày càng tăng khiến giấc mơ có nhà của nhiều người càng khó khăn. |
Theo Bộ Xây dựng, giá bán nhà ở trên thị trường trong quý 2/2020 không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong đó, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01%.
Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý trước, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15%.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho hay: Nhìn chung giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19. Đặc biệt giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao.
Nguyên nhân được ông Châu lý giải là do chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.
Theo các chuyên gia, trong 3 năm này, nếu người Việt chỉ tiết kiệm và đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là vô cùng khó khăn.
Cách gì để kéo già nhà xuống?
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, một nguyên nhân nữa khiến giá bất động sản khó giảm là do chi phí triển khai dự án ngày càng tăng cao và doanh nghiệp hiện nay vì yếu tố chi phí, thủ tục và lợi nhuận mà chỉ chú trọng phát triển nhà cao cấp, bỏ qua thị trường nhà bình dân.
Để giá nhà có thể hợp lý hơn chuyên gia cho rằng cần có sự cải cách trong cơ chế phê duyệt dự án cũng như mở ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ.
Trong văn bản mới gửi các cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo HoREA cho rằng việc tăng bảng giá đất sẽ kéo giá nhà ở tăng theo. Do đó, nếu bãi bỏ bảng giá đất, có thể kéo giá nhà ở giảm xuống.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói rõ: “Khung giá đất”, “bảng giá đất” tác động đến giá cả thị trường bất động sản, vì việc “bảng giá đất” tăng, sẽ kéo giá nhà ở sẽ tăng theo.
“Giá cả được hình thành theo quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quan hệ cung - cầu và phụ thuộc vào tâm thế thị trường (kể cả tâm lý đám đông, bầy đàn), tâm thế của các chủ thể giao dịch tại thời điểm giao dịch. Do vậy, giá cả thị trường luôn là một biến số” - ông Châu thông tin.
Cũng theo vị này, giá thành nhà ở bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất thường chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ dự án nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành dự án nhà phố; trên dưới 50% giá thành dự án biệt thự và là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường.
Do vậy, mức giá của “khung giá đất”, “bảng giá đất” tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
“Hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1-2 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội” - ông Châu cho biết thêm.
Nguyễn Mạnh