Những chia sẻ chân thực về chuyện nghề, chuyện đời được GS Ngô Bảo Châu kể với các bạn trẻ trong khuôn khổ Bài giảng đại chúng “Trao đổi về nghiên cứu khoa học” tại ĐH Khoa học Tự nhiên ngày 28/9, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giáo sư nhận giải thưởng Fields.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ tại chương trình. |
Trong phần giao lưu, em Lê Ngọc Lâm – sinh viên năm cuối ngành Hoá, ĐH KHTN đặt câu hỏi: “Em hiện cũng đang nghiên cứu khoa học. Có một thực tế, từ khi em nhận đề tài vào phòng thí nghiệm nghiên cứu đến nay cũng đã 2 năm rồi, so với các bạn cùng trang lứa như kinh tế hay truyền thông thì các bạn thường có nhiều thời gian rảnh tham gia các hoạt động bên ngoài nhưng đối với bọn em là sinh viên nghiên cứu khoa học thì phải dành rất nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm nói chung là khá bận rộn.
Nhưng theo em tìm hiểu khi ra trường, mức lương hiện tại đối với cử nhân ngành nghiên cứu khoa học không được cao. Em nghĩ có thể nó cũng là một nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào các ngành nghiên cứu khoa học các trường đang dần thấp. Giáo sư có thể có một vài chia sẻ để tiếp thêm động lực cho chúng em theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học được không?”.
Nam sinh viên đặt câu hỏi gửi đến GS Ngô Bảo Châu. |
Đáp lại câu hỏi của nam sinh viên, GS Ngô Bảo Châu nói: “Tôi nghĩ đó cũng là một phần thiệt thòi của người nghiên cứu khoa học nhưng nó cũng là chuyện bình thường. Chuyện bạn trẻ nghiên cứu khoa học không có thời gian đi giao lưu với xã hội, gặp gỡ bạn bè… ngày xưa tôi cũng thế. Cho đến tuổi 30-40, tôi cũng không có khái niệm đi ăn quán hay đi giao lưu với bạn bè, có nhưng hãn hữu thôi. Một phần cũng do mình không có nhu cầu, nó giống như một xã hội khác, có thể đáng mơ ước nhưng không liên quan đến mình.
Tôi nghĩ mình phải trả giá, có những cái mình có thể tiếp cận được nhưng mọi người không tiếp cận được, ngược lại cũng có những cái nhiều người tiếp cận được nhưng mình không tiếp cận được”.
Liên quan trăn trở của bạn trẻ về vấn đề “thu nhập” của người làm nghiên cứu, GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, đối với nhà khoa học trẻ mới bắt đầu sự nghiệp thì bài toán kinh tế, sống sót là vô cùng khó khăn.
“Tôi chỉ nghĩ một điều thế này, đó là thực tế của các thầy cô đi trước khó khăn hơn vô vàn so với các bạn bây giờ. Tôi còn nhớ anh Lê Tuấn Hoan, anh Phạm Ngọc Hùng là những người kèm Toán cho tôi từ hồi cấp 2. Tôi nhớ thời các anh vừa ra trường chuẩn bị đi thi tiến sĩ đã khó khăn thế nào. Hai anh lúc đó chỉ có 2 cái quần (một cái quần để mặc bình thường – sau mông có cái “mạng nhện” rất đẹp, còn cái quần còn lại không có mạng nhện chỉ dành đi gặp thủ trưởng hoặc tiếp cận cô nào đấy còn lúc nào cũng cất vào góc nhà).
Theo GS Ngô Bảo Châu, công sức nhà khoa học bỏ ra luôn được xã hội đến đáp xứng đáng: “Bây giờ các bạn theo con đường nghiên cứu có cơ hội hơn nhiều, có thể tôi chủ quan nhưng tôi nghĩ các bạn có thể dạy nhiều hơn, thực hiện nhiều đề tài hơn, có thể không quá dư dả nhưng đủ sống với nghề của mình chứ không phải làm thêm nghề khác (như ngày xưa là bán thuốc lá, may quần may áo)… Bây giờ cũng có một số quỹ Nhà nước, quỹ tư nhân hình thành ủng hộ các nhà nghiên cứu khoa học”.
GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh thêm, ở những nước khác điều kiện có thể dễ hơn nhưng các bạn cũng không nên nghĩ là dễ hơn nước mình, mức lương của nhà khoa học ở một số quốc gia tiên tiến cũng thấp hơn nhiều ngành trong xã hội.
Theo GS Ngô Bảo Châu, ở nhiều quốc gia tiên tiến, lương của người làm nghiên cứu khoa học cũng thấp hơn so với các ngành khác |
“Ở Pháp chẳng hạn – một nước khoa học tiên tiến nhưng mức lương của nhà khoa học rất thấp. Cá nhân tôi cũng một vài lần sốc. Thời trẻ tôi nghĩ mình không cần tiền, mình chỉ cần thời gian để nghiên cứu thôi. Thực sự tôi nghĩ, chỉ cần người ta cho mình đủ ăn, đủ chỗ ở để làm nghiên cứu chứ không cần giàu. Song tôi cũng nghĩ, khi mình đến Giáo sư ở Pháp thì mình phải có một cuộc sống dư dả, không quá lo lắng nhưng tôi đã cực kỳ sốc khi nhận bảng lương đầu tiên của mình. Thực sự là vậy. Bảng lương ấy còn không đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam. Đấy không phải là người ta đối xử không tốt với tôi mà do mặt bằng chung mức lương giáo sư ở Pháp như thế.
Hay ở Mỹ, tài chính dư dả hơn nhiều nhưng nhà khoa học nói chung thu nhập kém xa với nhiều ngành nghề khác. Ví dụ một cậu sinh viên đi làm tài chính thì ngay sau khi có bằng PhD (tiến sĩ) có thể có mức lương bằng giáo sư Toán học rồi, hay nếu như anh đi làm về trí tuệ nhân tạo cho Facebook có thể gấp 3 lương giáo sư. Đó là tương đối xã hội và cơ chế thị trường chi phối như thế”, GS Châu lấy dẫn chứng.
“Tôi thực sự nghĩ điều kiện cho nhà khoa học ở Việt Nam bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Và chúng ta có cơ hội rất lớn khi làm khoa học. Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tôi nghĩ một may mắn vô cùng lớn với tôi là Toán học. Toán học là cái mình không bao giờ bỏ và không bao giờ bỏ mình, vững chắc trong cuộc sống của tôi”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
PGS.TS Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên. |
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên trao đổi: “Nếu xét về thu nhập thì những người làm khoa học, ngay ở nước ngoài, cũng không so sánh được với các nghề khác. Nhưng mỗi nghề có một niềm vui khác nhau. Tôi nghĩ rằng, người làm khoa học có niềm vui được khám phá, có niềm hạnh phúc khi chứng tỏ được bản thân…
Ngoài ra chúng ta còn có niềm vui trong giảng dạy, làm đề tài, những cơ hội thú vị, như được đi nghiên cứu, được dự hội thảo ở nước ngoài. Nhờ nghiên cứu khoa học mà ta có những niềm vui, cơ hội mà người làm ngành nghề khác không có. Ví dụ đến các viện nghiên cứu, đến các đại học quốc tế… Vả lại người mỗi khác.
Như cá nhân tôi, nếu làm ở ngân hàng, ngồi suốt ngày với một cái máy tính và cả đống giấy tờ, tôi sẽ không thích. Mỗi lĩnh vực có những niềm vui khác nhau và chúng ta lựa chọn lĩnh vực phù hợp với mình”.
Lệ Thu