Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Cuộc chiến chống hàng giả và vai trò truy xuất nguồn gốc hàng hóa

VIETQ 06:14 15/09/2020

Chống gian lận thương mại điện tử, cần xác minh được xuất xứ hàng hóa

Gian lận thương mại ngày càng tinh vi

Sau 20 năm internet vào Việt Nam, đến nay, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống. Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Song song với việc phát triển, thương mại điện tử cũng kéo theo nhiều mặt trái, điển hình là tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm phổ biến trên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn, đơn cử như cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE. Các đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ và bất kỳ thông tin liên lạc. Nhiều trường hợp đưa lên mạng hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được, có thể là hàng giả, hàng nhái, khó phát hiện.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho biết, hiện nay, việc đăng ký bán hàng trên nền tảng internet và website dịch vụ thương mại điện tử ngày càng thuận lợi, bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để bán hàng trên website, mạng xã hội hoặc tạo ra ứng dụng di động để bán hàng.

“Điều đó đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng tại nước ta”, ông Linh khẳng định.

Tiến hành xác minh xuất xứ hàng hóa

Ông Nguyễn Ngọc Đạt, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Di động Việt cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn, nhất là những sản phẩm có giá trị thấp. Nhưng cũng chính việc này đã tạo nên làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường online. Trong khi đó, việc đổi trả hàng hay phản ánh của nạn nhân chỉ được thông qua sàn, người bán không cần quan tâm đến khách, không ai bảo vệ người tiêu dùng rõ ràng giữa sàn thương mại điện tử và người bán.

"Hàng hóa trên các sàn không được các sàn kiểm định chất lượng, người bán mặc sức đăng một đằng bán một nẻo. Chính vì những kẽ hở này, thiệt thòi cuối cùng thường khách hàng là người phải gánh chịu. Bản thân tôi cũng từng gặp oái oăm khi mua hàng online, lúc nhận hàng xong mới biết mình mua trúng hàng giả" - ông Đạt nói.

Vì vậy, theo giới chuyên gia, cần có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Trong đó, cần áp dụng công nghệ như cơ sở dữ liệu trực tuyến để cung cấp, chia sẻ, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả.

Đặc biệt, cần có quy định sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa để tăng trách nhiệm. Đồng thời, phải ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến chống hàng giả và vai trò truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp