Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Hoàng Thành Group thâu tóm 12.800 m2 đất vàng sót lại của Nam Từ Liêm

TDVN 12:34 12/02/2020

Năm 2015, Gelex đã "nhẹ nhàng" sang tay một nửa vốn BTH cho Hoàng Thành Group, mở đường cho tập đoàn của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc thâu tóm một trong những mảnh đất đẹp còn sót lại ở Nam Từ Liêm.

Screen Shot 2020-02-11 at 11.26.57 PM

Trụ sở BTH tại số 11 đường K2, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Website công ty

Năm 2019, báo cáo tài chính vừa công bố (chưa kiểm toán) cho biết CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (mã chứng khoán: BTH) báo lãi sau thuế 4,4 tỷ đồng. Cùng với mức lãi 2,1 tỷ đồng trong năm ngoái, không ít người "ngoại đạo" nhầm tưởng BTH đang vực dậy sau thời kỳ chìm trong thua lỗ.

Thực tế không phải vậy, doanh thu bán hàng trong năm qua chỉ đạt 7,2 tỷ đồng, giảm năm thứ 10 liên tiếp và co về chỉ còn 1/14 mức đỉnh năm 2008. Khoản lãi chủ yếu nhờ tiền gửi ngân hàng của nguồn vốn nhàn rỗi. Máy móc, dây chuyền xuống cấp, nhà xưởng đem cho thuê, nhiều cán bộ, công nhân của BTH không khỏi đau xót khi doanh nghiệp mình từng gắn bó nhiều năm lại xuống dốc nhanh đến thế.

Một thập kỷ về trước, dù không phải ưu tú nhất, song BTH có thể coi là một "đứa con ngoan" của Tổng công ty Thiết bị Điện (Gelex) với doanh thu đều đặn 80-90 tỷ đồng mỗi năm, cá biệt năm 2008 đạt gần 100 tỷ đồng, lãi sau thuế 5 tỷ đồng cùng tỷ suất ROE ở mức khá (14%).

Tuy vậy, doanh thu của BTH giảm nhanh để rồi thua lỗ lớn trong giai đoạn 2012-2014, trong đó riêng năm 2013 lỗ tới 13,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân được lãnh đạo BTH giải thích là do máy móc cũ kỹ, lỗi thời, thị trường máy biến áp đi xuống và chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Screen Shot 2020-02-11 at 11.35.44 PM

Tới lúc này, không ít người lao động của BTH vẫn băn khoăn về khoản lỗ lớn trong giai đoạn 2012-2014. Thực trạng thua lỗ kéo giá cổ phiếu BTH trên sàn chứng khoán từ 24.000 đồng/CP tháng 7/2010 về còn 4.000 đồng/CP vào đầu tháng 4/2014. Và, dù vô tình hay hữu ý, thì không thể phủ nhận kết quả nghèo nàn trên báo cáo tài chính là nguyên nhân trọng yếu để ban lãnh đạo BTH sau đó đặt ra vấn đề tái cơ cấu.

Từ EPT...

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, không ít cổ đông bất ngờ trước tờ trình sáp nhập BTH vào CTCP Sản xuất và Thương mại EMIC (EPT) - một thành viên khác, do Gelex nắm 51% vốn. Cụ thể, EPT sẽ phát hành thêm 2,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi với 3,5 triệu cổ phiếu BTH theo tỷ lệ 1:0,63.

Công ty sau sáp nhập sẽ lấy tên là CTCP Sản xuất và Thương mại Gelex, có vốn 32,05 tỷ đồng và dự kiến chạm ngưỡng doanh thu 300 tỷ đồng năm 2016.

Đề án hợp nhất đã bị cổ đông BTH phản đối kịch liệt. Theo họ, BTH có lịch sử hơn 50 năm, tài sản và vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với EPT, trong khi EPT mới thành lập, hoạt động thương mại là chính, thiếu đội ngũ kỹ thuật; Việc sáp nhập lợi ích chưa thấy đâu nhưng trước mắt đã làm giảm 37% vốn của cổ đông BTH, trong khi vốn của cổ đông EPT lại tăng lên; Cổ đông yêu cầu lãnh đạo BTH cần tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước khi bàn tới việc sáp nhập công ty; Một số cổ đông yêu cầu chỉ đồng ý xem xét hoán đổi với tỷ lệ 1:1, còn với tỷ lệ 1:0,63 như đề xuất của lãnh đạo BTH, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại.

Trước làn sóng phản đối gay gắt từ cổ đông, ĐHĐCĐ của BTH đã phải ra quyết nghị tạm dừng thông qua phương án sáp nhập BTH vào EPT. Đây có thể coi là một thắng lợi của cổ đông nhỏ lẻ tại BTH, tuy nhiên dường như họ không biết rằng, BTH đã rơi vào tầm ngắm thâu tóm, và bằng cách này hay cách khác, số phận thành viên Gelex gần như đã được định đoạt.

Về phần EPT, sau khi Gelex thoái hết vốn vào tháng 3/2017, doanh nghiệp này đổi tên thành CTCP Đầu tư EPT. Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật hiện là ông Hoàng Anh Dũng (SN 1975). Trước đó, vị trí này thuộc về một doanh nhân họ Hoàng khác, là ông Hoàng Phương, sinh năm 1970.

84674270_802690030207051_4769801519987949568_n

Hoàng Thành Tower 114 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội

... tới Hoàng Thành Group

Nửa năm sau sáp nhập bất thành, Gelex dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương tháng 11/2014 bất ngờ công bố thoái hết vốn khỏi BTH với lý do tái cơ cấu các khoản đầu tư. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thoả thuận trên sàn HNX.

Kết quả, toàn bộ 49,49% cổ phần BTH vào ngày 17/11/2014 đã được Gelex bán thoả thuận cho CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành Group) với mức giá vỏn vẹn 16,3 tỷ đồng, tương đương chỉ 9.400 đồng/CP.

Hoàng Thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội. Doanh nghiệp 16 năm tuổi tạo dấu ấn với không ít dự án tầm cỡ như Mulberryland liên doanh với CapitaLand (Singapore), ParkCity liên doanh với đối tác Desa Park City (Malaysia) hay Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế...

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành Group, nên biết, đã ngồi "ghế" Thành viên HĐQT Gelex từ 10 năm nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, BTH đã thông qua tăng vốn gấp 7 lần, từ 35 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng với phương án phát hành 21,5 triệu cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược là Hoàng Thành Group (14,52 triệu CP) cùng 2 cá nhân là ông Nguyễn Hoa Cương (1,25 triệu CP) và ông Hoàng Ngọc Kiên (5,73 triệu CP).

Ông Cương, như đã biết là cựu Chủ tịch Gelex vào thời điểm tổng công ty "nhà nước" này bán chỉ định cổ phần BTH cho Hoàng Thành. Còn ông Hoàng Ngọc Kiên là con trai thứ của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc. Mức giá phát hành là 10.000 đồng/CP, đã bị không ít cổ đông đề nghị xem xét lại trong ĐHĐCĐ diễn ra ngày 10/5/2018.

Chưa dừng lại ở đó, con trai trưởng của bà Ngọc - ông Hoàng Ngọc Quân đầu năm 2019 cũng đã gom tiếp 1,29 triệu cổ phiếu, tương đương 5,16% vốn BTH.

Theo cập nhật của BTH tại ngày 15/1/2020, Hoàng Thành là công ty mẹ, nắm 65% vốn BTH, ông Hoàng Ngọc Kiên và ông Hoàng Ngọc Quân có lần lượt 22,93% và 5,16%, trong khi ông Nguyễn Hoa Cương sở hữu 5,05% vốn BTH.

Tổng cộng, 4 cổ đông này đã nắm tới 98,14%, tỷ lệ coi như là tuyệt đối tại BTH.

Tại sao Hoàng Thành, một tập đoàn bất động sản lại dày công thâu tóm một công ty sản xuất thiết bị điện như BTH?

Không khó để trả lời. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, khu đất tại số 55, đường K2, Phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là nhà xưởng của BTH, được Sở TNMT Hà Nội cho thuê và cấp Giấy CNQSDĐ từ năm 2007. Đầu năm 2015, Thủ tướng có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành Hà Nội. Khu đất sau đó được quy hoạch thành đất hỗn hợp. Tháng 10/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã cấp Giấy phép quy hoạch dự án cho chủ đầu tư là BTH.

Tại ĐHĐCĐ năm 2019, dự án mà Hoàng Thành theo đuổi suốt nhiều năm bắt đầu lộ diện rõ hơn. Theo đó, dự án được giới thiệu là Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh, có tên thương mại là Hoàng Thành Pearl.

Tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 14.786m2, phần đất xây dựng công trình là 12.776m2, đất mở đường theo quy hoạch là 2.010m2. Quy mô xây dựng một tháp 30 tầng nổi, 3 tầng hầm với trung tâm thương mại, văn phòng và 336 căn hộ, cùng 25 căn liền kề, nhà phố.

Vốn đầu tư dự kiến là 1.107,71 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 221,54 tỷ đồng (20%), vốn vay và huy động khác là 886,17% (80%). Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR là 10,6%. Giá trị hiện tại thuần NPV ở mức 35,7 tỷ đồng.

BTH dự kiến triển khai dự án từ quý IV/2019 đến quý I/2022.

Doanh nghiệp đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là hết sức bình thường, miễn là họ thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên trong thương vụ trên, một dấu hỏi lớn là liệu Gelex đã đặt lợi ích Nhà nước lên trên hết khi bán thoả thuận gần 50% vốn BTH cho Hoàng Thành hay chưa? Lưu ý rằng vào thời điểm đó, Bộ Công thương vẫn nắm tới 87,17% cổ phần Gelex. Nếu dùng phương án đấu giá, phải chăng lợi ích ngân sách thu về sẽ lớn hơn bội phần?

Theo công bố từ BTH, doanh nghiệp này đã chi ra 192 tỷ đồng nộp tiền sử dụng đất cho dự án, tính ra khoảng 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường mặt đường K2 đang được rao bán lên tới nhiều chục triệu đồng cho mỗi m2, cá biệt lên tới 85 triệu đồng/m2 như trong lời chào bán dưới đây.

Screen Shot 2020-02-12 at 12.01.37 AM

Như đã lưu ý, Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ngồi ghế Thành viên HĐQT Gelex từ năm 2010. Cả Hoàng Thành lẫn bà Ngọc từng sở hữu nhiều triệu cổ phiếu Gelex.

Mối quan hệ khăng khít giữa Hoàng Thành và Gelex không chỉ dừng lại ở đó, mà kể cả sau khi Bộ Công thương thoái hết vốn vào cuối năm 2015. Trong một bài báo cách đây chưa lâu, Nhadautu.vn đã đề cập đến dự án nhà ở xã hội lớn nhất Hà Nội do Hoàng Thành và Tổng công ty Viglacera liên danh đầu tư. Mà như đã biết, chủ mới Gelex - doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Tuấn giữa năm ngoái tiếp tục ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Viglacera sau khi nhóm Gelex mua cổ phần lớn của cựu thành viên Bộ Xây dựng.

Link gốc : https://nhadautu.vn/duong-ve-tay-hoang-thanh-group-cua-12800-m2-dat-vang-nam-tu-liem-d33593.html

Bạn đang đọc bài viết Hoàng Thành Group thâu tóm 12.800 m2 đất vàng sót lại của Nam Từ Liêm tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án