KTS. TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đổi vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng Thủ đô mới sẽ không hợp lý với suy nghĩ của người dân và giới chuyên gia.
Mới đây, Bộ KH&ĐT đã công bố lấy ý kiến Dự thảo Báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Trong phương án 6 được đề xuất sẽ phân thành 7 vùng trong đó có vùng Thủ đô mới.
Cụ thể, theo phương án này, đưa 4 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc vào vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng Thủ đô mới (hay vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng).
Đánh giá về phương án này, Bộ KH&ĐT cho rằng, ưu điểm của phương án này đảm bảo tính kế thừa cao; ít gây xáo trộn về vùng; mở rộng không gian phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng Thủ đô Hà Nội (mới) và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển hơn và tính liên kết vùng được đề cao hơn.
Phương án này khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với KTS. TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam.
Trong phương án phân vùng mới đây, lãnh thổ Việt Nam chia thành 7 vùng, trong đó có vùng Thủ đô Hà Nội mới thay cho vùng đồng bằng Sông Hồng. Quan điểm của ông như thế nào về quy hoạch phân chia vùng Thủ đô Hà Nội như thế này?
Đề xuất quy hoạch lại phân vùng phải dựa trên cơ sở quan điểm tạo ra mối liên hệ vùng đặc thù, tạo ra sự thúc đẩy bình đẳng, phát triển đồng đều và cân đối giữa các vùng miền.
Riêng khu vực miền Bắc, đặc biệt chú ý đến vùng Thủ đô, không nên gọi là “vùng Thủ đô mới” vì bản thân vùng Thủ đô đã thể hiện vai trò của nó với các tỉnh lân cận.
Thực tế trước đó đã có 2 lần quyết định thành lập vùng Thủ đô. Trong lần thứ 2, quy hoạch đã điều chỉnh từ 6 tỉnh thành 9 tỉnh, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được như định hướng phát triển quy hoạch trước đó.
Trong thời gian tăng trưởng kinh tế vừa qua, vai trò của Thủ đô được xác định rất rõ. Cũng trong quá trình đó, động lực của Thủ đô thể hiện rõ ràng, đặc biệt là mối liên hệ giữa các tỉnh. Lãnh đạo Hà Nội đã đi làm việc gần hết các tỉnh và chú trọng kết nối các tỉnh gần Thủ đô.
Trong định hướng phát triển của Hà Nội, chúng ta quyết tâm đẩy mạnh sự phát triển đồng bộ để thực hiện vai trò động lực phát triển của vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.
Tôi cho rằng có sự khác nhau giữa vai trò của vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng không nên gắn kết 2 phần này với nhau. Đổi vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng Thủ đô mới sẽ không hợp lý với suy nghĩ của người dân và giới chuyên gia.
Xin ông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thực hiện bao lần thay đổi quy hoạch vùng?
Trước đây, ngay từ Hiến pháp năm 1946, chúng ta vẫn giữ quan điểm Việt Nam chia thành 3 kỳ: Bắc lỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Nhưng sau, mối quan hệ này không giải quyết được vấn đề gì, cũng không mang ý nghĩa đặc trưng nên chúng ta chia lại thành 6 vùng kinh tế như hiện nay, trong đó có một số vùng trọng điểm.
Quy hoạch này phù hợp với giai đoạn của Việt Nam bắt đầu bước qua ngưỡng là nước phát triển trung bình.
Quy hoạch này cũng tìm ra những vùng trên cơ sở kế thừa những giai đoạn vừa qua, có điều chỉnh rất ít, rất nhỏ. Trước đây, Thủ đô Hà Nội cũng đã có một lần điều chỉnh nhưng đến nay chưa thực hiện được điều đó.
Cho nên, quy hoạch sửa đổi cần phù hợp với tình hình thực tế. Tôi cho rằng, nếu điều chỉnh tiếp thì khó xác định được động lực và cũng không xác định mối quan hệ, vai trò của từng vùng một.
Việc phân vùng, điều chỉnh lại quy hoạch cần phải căn cứ dựa trên những cơ sở nào, bởi với phương án hiện tại, có ý kiến lo ngại về sự mất cân đối về trình độ phát triển giữa các tỉnh?
Điều lớn nhất không phải sự thay đổi, quy hoạch lại mà ở đây là xác định tạo ra quy hoạch vùng, tạo ra mối liên kết giữa các tỉnh. Đặc biệt phải xác định rõ vai trò động lực và vai trò của các tỉnh, nếu không, mở rộng quá lớn sẽ rất khó thực hiện vai trò động lực phát triển.
Bên cạnh đó, cái khó nhất trong mối quan hệ vùng này là phải xác định để điều tiết và quản lý tốt.
Hiện nay, trong Hiến pháp, các tỉnh trực thuộc quốc gia đến phần lớn mối quan hệ các tỉnh trong vùng là mối quan hệ trao đổi, thảo luận, thống nhất chứ không có quyết định hành chính.
Ông có đề xuất gì về phương án quy hoạch vùng Thủ đô mới hiện này?
Quan điểm của tôi là giữ nguyên. Mặc dù trong nghiên cứu gần đây nhất, một số chuyên gia đưa ra điều chỉnh là 7 vùng nhưng trên cơ sở phân vùng vừa qua, chúng ta nên rút bài học kinh nghiệm và điều chỉnh rất nhỏ.
Một số các tỉnh lận cận cần quy hoạch lại nên sửa. Một số tỉnh đã có trình độ phát triển mạnh nên nâng tầm vai trò, vị thế vùng đó lên. Nếu điều chỉnh cả vùng phải đòi hỏi có biến động kinh tế lớn và thực tế khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay.