Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Thêm cơ hội mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

TDVN 09:29 16/04/2020

Với việc có thêm 3 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhìn nhận, người có thu nhập thấp tại đô thị sẽ có thêm nhiều cơ hội mua được nhà ở xã hội

(Ảnh: Thùy Chi)

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1 nghìn tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2 nghìn tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Không chỉ "tung" ra thêm 3 nghìn tỉ đồng, Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 4/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.

Đồng thời, đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội và TPHCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.

Giá nhà ở xã hội tăng do nguồn cung thiếu

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp tính đến nay đã hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn. Hiện đang tiếp tục triển khai 220 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn.

Tính riêng trong năm 2019, đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kết quả này mới đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.

Hiện nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng nhiều, đặc biệt ở TP. Hà Nội, tuy nhiên nguồn cung đáp ứng không đủ và vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội trong năm 2019 cho thấy, trên địa bàn Thủ đô chỉ có thêm 3 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, tương đương với 170.861 m2 sàn nhà ở. Từ đầu năm 2020 đến nay các dự án nhà ở xã hội bị đình trệ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong khi đó, dự kiến nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2020 khoảng 110 nghìn căn, việc thiếu nguồn cung dẫn đến giá bán tại một số dự án nhà ở xã hội tăng lên.

Khảo sát thực tế tại dự án nhà ở xã hội IEC (Tứ Hiệp, Thanh Trì) cho thấy, giá bán một căn hộ diện tích 70 m2 là 1,12 tỉ đồng, tương đương với 16 triệu đồng/m2. Một số dự án khác có mức từ 17-19 triệu đồng/m2, mức giá này được đánh giá là tương đối cao so với mặt bằng của nhà ở xã hội.

Chia sẻ ý kiến về việc giá của nhà ở xã hội gia tăng trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Tuấn Anh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, thời gian gần đây mức giá bán nhà ở xã hội tăng cao do những vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép dự án. Theo đó, để một dự án nhà ở xã hội đi vào triển khai thì cần khoảng thời gian từ 3 - 4 năm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm, việc thời gian làm thủ tục kéo dài dẫn đến việc chủ đầu tư tăng giá bán để bù lấp chi phí. Cùng với đó là việc cơ quan chức năng không khống chế giá bán mà chỉ khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10%, nên mức giá bán tăng bao nhiêu là tùy thuộc vào hạch toán lợi nhuận của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, việc chưa được bố trí đủ nguồn vốn cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội còn khó khăn. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) cho biết, theo quy định, ngân sách nhà nước sẽ cấp 50% và sẽ tự huy động 50% nguồn vốn để triển khai cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dù “chủ công” trong việc triển khai chương trình cho vay này, trong 2 năm gần đây (2018 và 2019), VBSP chỉ được bố trí 500 tỉ đồng trong năm 2018 và 663 tỉ đồng cho năm 2019. Riêng trong năm 2019, với 663 tỉ đồng được bố trí cùng với 50% do ngân hàng tự huy động được, tổng nguồn vốn cho vay của chương trình tại VBSP là 1.326 tỉ đồng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lý, trong các hoạt động liên quan đến nhà ở xã hội hiện nay, bên cạnh nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án nhà ở xã hội, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của người dân thuộc các đối tượng có thể vay mua nhà ở xã hội cũng tương đối căng thẳng. Bởi vậy, với việc sắp triển khai gói hỗ trợ 3 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội, gói tín dụng này sẽ giúp cho cả chủ đầu tư cũng như cả người dân vay để xây dựng nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở xã hội, nên sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ.

Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại. Khi đó người dân sẽ thêm nhiều cơ hội mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn nhiều so với mua nhà thương mại.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trong mùa dịch Covid-19

Bước sang những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã kiến nghị cấp nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Theo quy định của luật Nhà ở, hàng năm, nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. Như vậy, nếu cấp 2 nghìn tỉ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 60 nghìn tỉ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội, việc này đồng nghĩa với việc người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn để mua nhà xã hội.

Liên quan đến thủ tục mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần: “Gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến Sở TN&MT, Sở Tư pháp để thực hiện rà soát nhà và tài sản của các đối tượng trước khi thực hiện ký hợp đồng mua bán, thuê, mua nhà ở xã hội...”.

Còn tại quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP nêu rõ: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên (trên cơ sở chấm điểm theo nguyên tắc quy định tại Điều 23 của Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần…”.

So với quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND đã bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tới Sở TN&MT, Sở Tư pháp. Do đó, “VNREA kiến nghị UBND TP. Hà Nội bỏ quy định này. Theo đó, chủ đầu tư chỉ gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến Sở Xây dựng theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Nếu cần kiểm tra, thẩm định, trên cơ sở danh sách Chủ đầu tư đã gửi, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan để thực hiện”, ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị.

Để thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh việc hỗ trợ chính sách, nguồn lực, nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò chủ động, tích cực, quyết tâm của từng địa phương trong cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội rất quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Theo Thùy Chi/CTTĐTCP

Link gốc : http://thanglong.chinhphu.vn/them-co-hoi-mua-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-thu-nhap-thap

Bạn đang đọc bài viết Thêm cơ hội mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án