Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Trách nhiệm lãnh đạo UDIC ở đâu khi loạt dự án sai phạm gây thất thu ngân sách NN

TDVN 17:17 16/03/2020

Không chỉ có Khu đô thị Nam Thăng Long, nhiều dự án khác của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) sau khi triển khai được xác định gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) liên doanh giữa UDIC và Công ty Development Planning Investments Pte,Ltd Singapore làm chủ đầu tư (lấy pháp nhân là Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long) đã tồn tại không ít sai phạm trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Quang – nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty UDIC.

Cụ thể, dự án KĐT Nam Thăng Long được UBND TP.Hà Nội giao cho Công ty làm chủ đầu tư với quy mô 3.018.892m² đất; tổng vốn đầu tư là 31.377.436 triệu đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, quỹ đất 20% phải trích nộp cho TP.Hà Nội, với diện tích 21.729m² (gồm 12.487m² tại lô đất CT13 và 9.242m² tại lô đất CT14A) để thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng phục vụ di dân GPMB do UDIC thực hiện. UDIC được phép sử dụng 130 căn hộ để bán kinh doanh và nộp tiền sử dụng đất phân bổ cho 130 căn hộ.

Tuy nhiên, theo kết luận của TTCP, việc liên ngành khi xác định tiền sử dụng đất của dự án đã khấu trừ khoản tiền chi phí dự phòng vào giá đất đối với 130 căn hộ thuộc quỹ đất 20% tại ô CT13 là không đúng quy định tại Thông tư số 145/2007/TT/BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Thêm nữa, việc giao các lô đất CT13 (12.487m²), CT14A (9.242m²), CT02B (39.902m²) là chưa có cơ chế rõ ràng; quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp giao dự án với khách hàng là cán bộ công chức Nhà nước chưa được thể chế hóa cụ thể, dẫn đến cơ chế bán, mục đích sử dụng còn nhiều bất cập”.

TTCP còn chỉ ra, tại quyết định số 119/2002/QĐ-UB ngày 27/08/2002 của UBND TP.Hà Nội về phê duyệt QHCT 1/2000 KĐT Nam Thăng Long, diện tích đất ở là 1.039.571m², diện tích quỹ đất 20% phải trích nộp là 207.914m² (1.039.571m² x 20%). Như vậy, diện tích quỹ đất 20% phải trích nộp còn thiếu là 28.389m² (207.914m² – 179.525m²).

Không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, UDIC còn tự ý cho thuê đất tràn lan, sai phạm trong mục đích sử dụng đất tại nhiều dự án. Cụ thể vào năm 2015, nhiều cơ quan báo chí phản ánh: Ngày 21/4/2005, UDIC được Sở Tài nguyên & Môi trường và Nhà đất TP.Hà Nội ký hợp đồng cho thuê khoảnh đất rộng 5.400 m2 tại lô B2 đường Trần Kim Xuyến (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) với thời hạn 30 năm.

Tân Tổng Giám đốc Tổng Công ty UDIC Nguyễn Văn Luyến.

Theo quy hoạch, khu đất này sẽ được UDIC sử dụng làm trụ sở văn phòng các thành viên của Tổng công ty. Tuy nhiên, ngay sau đó dự án này không được triển khai. Một thời gian sau đó, thay vì sử dụng đúng mục đích được giao, UDIC đã “biến” làm nhà xưởng để thiết bị vật liệu và một phần làm trạm trộn bê tông cung cấp cho các công trình xây dựng trong nội thành Hà Nội. Điều đáng nói, việc đưa trạm trộn bê tông vào đã gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Ngay lập tức các cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã yêu cầu UDIC phải di chuyển trạm trộn đi nơi khác. Tưởng chừng ngay sau sự việc này, UDIC sẽ triển khai dự án theo đúng mục đích sử dụng cho phép thì một lần nữa, lô đất B2 bị biến tướng, sử dụng sai mục đích một cách khó hiểu. Theo ghi nhận của nhiều cơ quan báo chí khi đó, khu đất đang có nhiều hạng mục xây dựng bề thế, làm điểm bán cà phê, gara ô tô, quán bia…

Thêm một dự án khác khiến UDIC vướng không ít tai tiếng là UDIC Riverside 1 tại ngõ 122 phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội được khởi công từ quí IV/2013. Dự án này gồm công trình cao 22 tầng và một tầng mái, hai tầng hầm nằm trên khu đất rộng 5.382,7 m2; diện tích xây dựng khoảng 2.271 m2 và mật độ xây dựng là 41,8%. Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 703 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án UDIC Riverside 1.

Vào năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố Văn bản số 1468/KL-TTCP khẳng định: Dự án UDIC Riverside 1 do UDIC làm chủ đầu tư có những sai phạm trong việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp.

Tháng 5/2018, báo chí cũng phản ánh, tại Chung cư No4 UDic Complex Hoàng Đạo Thúy (Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) hàng trăm hộ dân đã được chủ đầu tư bàn giao nhà, về sống đã lâu, song toàn bộ khối đế của tòa nhà (tầng hầm và 5 tầng văn phòng, trung tâm thương mại) vẫn chưa được nghiệm thu PCCC theo quy định.

Trước đó, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 – Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã kiểm tra công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy tại tòa nhà này cho thấy, khối đế chủ đầu tư đã đưa 12 đơn vị vào hoạt động tại tầng 1, 3, 4, 5 nhưng chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Tại tầng kỹ thuật, giữa tầng 5 và 6, có hai phòng kỹ thuật chứa 2 bồn dầu khoảng 1.000/1 bồn theo báo cáo của chủ đầu tư, không có trong hồ sơ hoàn công do chủ đầu tư xuất trình. Ngoài ra, theo cơ quan cảnh sát PCCC, tại chung cư No4 UDic Complex, có 3 phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 1 bị thay đổi thiết kế thành khu vực dịch vụ thương mại, trong khi một phần diện tích tầng 3 lại được chuyển thành phòng sinh hoạt cộng đồng.

Tháng 5/2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước năm 2017 trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi Quốc hội. Trong đó, tại dự án UDIC Westlake (Lô CT4 – KĐT Nam Thăng Long, quận Tây Hồ) của UIDC, Kiểm toán Nhà nước kết luận giá cho thuê đối với diện tích thương mại và tầng hầm để xe cố định trong 50 năm không phù hợp quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai phạm tại UDIC được các cơ quan chức năng chỉ rõ thời gian qua? Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/loat-du-an-sai-pham-gay-that-thu-ngan-sach-nha-nuoc-trach-nhiem-lanh-dao-udic-o-dau-d170936.html

Bạn đang đọc bài viết Trách nhiệm lãnh đạo UDIC ở đâu khi loạt dự án sai phạm gây thất thu ngân sách NN tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án