Dưới đây là danh sách chính thức do Bộ Y tế đăng tải:
|
Bộ này cho hay, trong số 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép, Trueline COVID-19 Ag Rapid Test là sản phẩm duy nhất sản xuất trong nước, xét nghiệm định tính phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch tỵ hầu. Sản phẩm do Công ty TNHH Medicon sản xuất. Giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó).
Các sản phẩm khác, có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu là từ Hàn Quốc.
Cũng theo Bộ Y tế, thời gian qua, các kit test nhanh kháng nguyên COVID-19 không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội và các ứng dụng thương mại điện tử, Bộ đã đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra.
Theo đó, giá bán của các kit test nhanh COVID-19 được bán với giá từ 300.000 đến 800.000 đồng/kít. Các mặt hàng này được quảng cáo chất lượng, do xuất xứ từ các nước: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Về việc này, ngày 3/8, Bộ Công thương cho biết, qua thông tin thu thập từ hoạt động quảng cáo, các bộ kit này cho kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là “cực kỳ dễ dàng”… Tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi hoặc là hàng xách tay không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ này.
Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Người dùng nếu mua online, chỉ mua sản phẩm Kit test COVID-19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Đây không phải lần đầu tiên, Bộ Y tế lên tiếng cảnh báo tình trạng này. Từ đầu tháng 6/2021, khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, người dân đã được cảnh báo cẩn trọng khi mua, sử dụng các loại kit test trôi nổi này.
Bên cạnh những địa chỉ online mập mờ, không ít người nổi tiếng cũng bất chấp cảnh báo để rao bán, quảng cáo các sản phẩm này.
Điển hình là sự việc Fanpage có dấu tích xanh mang tên “Gia đình Ưng Hoàng Phúc & Kim Cương” rao bán rầm rộ bộ kit test nhanh COVID-19 khi vừa Bộ Y tế vừa lên tiếng cảnh báo.
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, đa phần dư luận đều bày tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí bức xúc. Sau đó, Fanpage của gia đình ca sỹ Ưng Hoàng Phúc đã âm thầm xóa nội dung quảng cáo nêu trên.
“Trước tiên có thể nói, các bộ kit test hiện nay đang có dấu hiệu các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử kiếm lời. Tổng cục Quản lý Thị trường đã chỉ đạo các Cục ra quân quyết liệt rà soát trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, nếu phát hiện hiện tượng kinh doanh các bộ kít test không được Bộ Y tế cấp phép hoặc bộ kit test không được kinh doanh của cơ quan, tổ chức được cấp phép chúng tôi sẽ tiến hành xử lý và ngăn chặn kịp thời”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý Thị trường cho hay.
Theo Doanh nhân Việt Nam