Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Ông Nguyễn Đức Chung đã dùng cách gì để xoá dấu vết vụ chiếm đoạt tài liệu mật?

Hoàng Đan 06:44 24/11/2020

heo KLĐT, cựu cán bộ công an tự nguyện nộp 2 file ghi âm trao đổi qua Viber giữa mình và ông Nguyễn Đức Chung để nắm hướng điều tra vụ Nhật Cường liên quan đến vợ chồng ông này.

Thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi

Trong bản kết luận điều tra vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nêu chi tiết việc liên lạc, trao đổi tài liệu điều tra vụ Nhật Cường giữa cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cựu cán bộ công an Phạm Quang Dũng.

Cơ quan điều tra đánh giá thủ đoạn hoạt động phạm tội của ông Chung và đồng phạm hết sức tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội và xóa dấu vết, che giấu tội phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Theo điều tra, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường.

Thông qua người quen, ông Chung đã chủ động đặt vấn đề nhờ Phạm Quang Dũng thu thập, cung cấp nhiều tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước liên quan vụ án này.

Kết quả điều tra xác định, từ giữa năm 2019 đến tháng 3/2020, Dũng nhiều lần thu thập, chiếm đoạt các tài liệu liên quan vụ án Công ty Nhật Cường, trong đó, có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật".

Cũng theo kết luận điều tra, sau khi thu thập được tài liệu, bị can Dũng đã nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung qua 3 phương thức là sử dụng phần mềm Viber trên đi động để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber. Ngoài ra còn thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu giấy.

Kết quả điều tra đến nay cũng nêu rõ, có đủ căn cứ xác định 3 lần bị can Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án công ty Nhật Cường cho bị can Chung, trong đó, 6 tài liệu "Mật".

Vào tối 20/7/2019, Dũng đặt xe Grab đến nhà ông Chung ở số 88 Trung Liệt, quận Đống Đa. Tại đây, hai người đã trao đổi một số nội dung về quá trình điều tra vụ án Nhật Cường có liên quan ông Chung.

Cũng tại buổi gặp, cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế đã cung cấp cho ông Nguyễn Đức Chung 5 bản email được gửi từ tài khoản buiquanghuy@... đến tài khoản của ông Chung có địa chỉ: Chunghinhsu@...

Sau buổi gặp, Dũng về nhà in 5 bản email trên ra giấy còn ông Chung yêu cầu lái xe riêng là bị can Nguyễn Hoàng Trung đến nhà Dũng nhận tài liệu.

Các bản email cung cấp cho bị can Chung là tài liệu mà bị can Dũng có được trong quá trình kiểm tra, trích xuất dữ liệu điện tử từ máy tính Macbook trong vụ án Công ty Nhật Cường vào ngày 1/7. Sau đó, bị can Dũng đã chủ động sao chép những tài liệu này từ trước, rồi lưu giữ trong máy tính cá nhân.

Kết luận giám định cho thấy 5 bản email này không phải tài liệu bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, Cục Cảnh sát kinh tế xác định đây là tài liệu phản ánh về vụ án Nhật Cường, được quản lý như tài liệu mật.

Tối 25/8/2019, Dũng thông báo cho ông Chung đến nhận tài liệu có được khi kiểm tra, khôi phục hệ thống phần mềm của Công ty Nhật Cường.

Cùng ngày, theo sự chỉ đạo của ông Chung, lái xe Nguyễn Hoàng Trung đến sảnh chung cư nơi Dũng cư trú để nhận phong bì chứa tài liệu rồi mang về đưa cho ông Chung tại nhà riêng.

Trước khi gửi tài liệu này, Dũng đã lấy điện thoại chụp lại. Khi kiểm tra điện thoại của bị can, cơ quan điều tra đã thu được các bản chụp.

Từ trái qua: Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng. Ảnh: Bộ Công an.

Bị can Dũng tự giao nộp 2 file ghi âm trao đổi với ông Nguyễn Đức Chung

Sáng 10/6, bị can Dũng tiếp tục chuyển 3 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước ở mức độ "Mật" cho ông Nguyễn Đức Chung qua ứng dụng Viber.

Những tài liệu này gồm: Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường; tài liệu báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP Hà Nội giai đoạn 2017- 2019.

Sau khi nhận được tài liệu, ông Chung đã yêu cầu bị can Nguyễn Hoàng Trung in ra giấy. Song, Trung đã nhờ Nguyễn Anh Ngọc (công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND Hà Nội) in để Trung đưa cho ông Chung.

Theo kết luận điều tra, sau khi chuyển 26 file ảnh cho Ngọc, Trung đã xóa tài liệu. Còn bị can Ngọc sao chép, lưu giữ 26 file ảnh trên máy tính tại phòng làm việc và USB. Khám xét nơi làm việc của bị can Ngọc, cơ quan điều tra đã thu giữ được tài liệu này.

Chiều 25/6, theo yêu cầu của ông Chung, Trung cùng ông Ngọc chỉnh sửa, che phần chữ ký của điều tra viên tại trang cuối file tài liệu mật để in ra giấy để đưa cho cựu Chủ tịch Hà Nội.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng xác định, từ tháng 2 - 7/2020, bị can Dũng và bị can Chung sử dụng các số thuê bao điện thoại đã 20 lần liên lạc, trao đổi thông tin với nhau qua ứng dụng Viber.

Trong đó, đáng chú ý, bị can Dũng đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan An ninh điều tra 2 file ghi âm cuộc trao đổi thông qua Viber vào buổi sáng 13/7 giữa bị can với bị can Nguyễn Đức Chung.

Nội dung là bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu bị can Dũng nắm thông tin về hướng điều tra vụ án công ty Nhật Cường của Cục Cảnh sát Kinh tế liên quan đến vợ chồng mình. Kết quả trưng cầu giám định giọng nói của người sử dụng số thuê bao trong 2 file ghi âm là của bị can Chung.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác đinh, một số điện thoại di động được bị can Chung sử dụng để liên lạc với bị can Dũng là thuê bao di động của nước Nga do người quen (đã mất) tặng cho cựu Chủ tịch Hà Nội cùng Iphone. Sau khi bị can Trung và Ngọc bị bắt, bị can Chung đã vứt bỏ vào tối ngày 14/7.

Theo Hoàng Đan

Pháp luật và Bạn đọc

Link gốc : http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ong-nguyen-duc-chung-da-dung-cach-gi-de-xoa-dau-vet-vu-chiem-doat-tai-lieu-mat-162202311100928385.htm

Bạn đang đọc bài viết Ông Nguyễn Đức Chung đã dùng cách gì để xoá dấu vết vụ chiếm đoạt tài liệu mật? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự