Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Italia, Việt Nam... Đơn cử như Hàn Quốc đã ghi nhận 228 ca tái dương tính với Covid-19 ở những người được xuất viện sau điều trị. Cơ quan y tế nước này đang tìm hiểu nguyên nhân của các trường hợp tái phát là do bị lây nhiễm trở lại hay vì các tế bào vi rút ẩn trong cơ thể tái hoạt động. Trong nghiên cứu mới được tiến hành bởi các y, bác sĩ Trung Quốc, khoảng 3%-14% bệnh nhân Covid-19 tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có triệu chứng sau khi được điều trị khỏi hoàn toàn. Đây là một trong những thách thức lớn của nước này khi đã bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng nhận định về hiện tượng dương tính trở lại này. Có ý kiến cho rằng bệnh nhân chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Một số lượng vi rút quá nhỏ vẫn tồn tại trong cơ thể để không bị phát hiện lúc xét nghiệm lại. Vấn đề thứ hai có thể liên quan đến quy trình xét nghiệm chưa đúng tiêu chuẩn. Trường hợp thứ ba là bệnh nhân bị tái nhiễm vi rút thuộc diện những người suy kháng thể, tức là hệ thống kháng thể bị suy yếu nên đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế cũng không loại trừ nguyên nhân tồi tệ hơn là vi rút đã biến thể hoặc đang tồn tại hai chủng vi rút mặc dù chưa có nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này.
Trước đó, có nhiều nhận định rằng, thông thường một người khi đã được chữa khỏi sẽ có kháng thể tự nhiên chống lại vi rút SARS-CoV-2 nên khó có khả năng nhiễm bệnh lần thứ hai, từ đó miễn dịch cộng đồng gia tăng. Nhưng với Covid-19, theo các bác sĩ, kháng thể mà bệnh nhân tạo ra không đủ mạnh hay tồn tại đủ lâu để giúp họ miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh dịch trong thời gian dài. Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các vấn đề khẩn cấp Mike Ryans nhận định: “Có một kỳ vọng rằng chúng ta có thể đạt miễn dịch cộng đồng và nhiều người trong xã hội có thể phát triển các kháng thể, trở nên miễn dịch với vi rút. Tuy nhiên, hiện cũng có xu hướng một số người có hàm lượng kháng thể trong máu rất thấp. Do đó sẽ không giải quyết được vấn đề mà chính phủ các nước đang cố gắng hy vọng”.
Theo các quan chức y tế Trung Quốc, tới nay vẫn chưa có bằng chứng các ca tái dương tính lây nhiễm cho người khác và nếu xảy ra trường hợp tái nhiễm, người bệnh có thể tạo miễn dịch và phục hồi rất nhanh. Song, vì chưa rõ những bệnh nhân này có khả năng gây lây nhiễm hay không, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo vẫn cần tiếp tục cách ly người bệnh trong thời gian 14 ngày sau khi được điều trị khỏi.
Trước tình trạng các ca tái dương tính với SARS-CoV-2 xảy ra ở nhiều nước, WHO khuyến cáo chính phủ các nước không cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “không có nguy cơ” cho những người từng mắc Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, thực trạng tái dương tính của một số ca bệnh là mối lo chung của cả thế giới, đặc biệt khi nhiều nước đang tìm giải pháp chấm dứt giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động kinh tế. Vì vậy, điều cần làm là nâng cao nhận thức, tránh tâm lý chủ quan, tiếp tục áp dụng và tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh nghiêm ngặt để loại bỏ nguy cơ diễn ra các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và đời sống.