Ca bệnh ở Phú Thọ là bệnh nhân 74. Nam thanh niên 23 tuổi ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Sau 3 tuần điều trị ở bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, ngày 10/4, bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, về nhà cách ly tại Phú Thọ.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở. Ngày 25/4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2, được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân tuân thủ cách ly tại nhà, có tiếp xúc với các thành viên trong gia đình (3 người). Hiện các đối tượng F1 đã được cách ly theo dõi tại Phú Thọ. Kết quả xét nghiệm thì cả 3 người này đều có kết quả âm tính. Phú Thọ đã tổ chức phun hoá chất khử trùng tại nhà bệnh nhân 74, khu vực xung quanh và lên phương án phòng, chống dịch.
Tại TP HCM 2 bệnh nhân tái dương tính là bệnh nhân 207 (khỏi bệnh hôm 18/4) và 224 (khỏi bệnh hôm 20/4).
Trong ngày 26/4, hai người này được đưa vào Bệnh viện Dã chiến Củ Chi theo dõi điều trị. Ngoài ra 1 trường hợp bệnh nhân 151 (xuất viện ngày 18/4) có tiếp xúc gần với bệnh nhân 207 cũng được chuyển vào Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để theo dõi. Bệnh nhân 207 là nam, 49 tuổi, quốc tịch Brazil trú tại Quận 2, TP HCM. Bệnh nhân là chồng bệnh nhân 151 và là đồng nghiệp bệnh nhân 124.
Bệnh nhân 224 là nam, 39 tuổi, quốc tịch Brazil, có địa chỉ tại phường Thảo Điền, Q.2, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Bộ Y tế xác nhận có 5 ca bệnh dương tính lại trước đó là các ca: số 188 điều trị tại bệnh viện Đa khoa Hà Nam, dương tính lại sau âm tính 2 lần liên tiếp, hiện đang điều trị tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ca số 137 (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2), và 2 ca số 52, 149 (Bệnh viện Dã chiến 2 Quảng Ninh), dương tính lại sau khi ra viện và âm tính 3 lần liên tiếp. Ca số 36 dương tính lại sau 5 lần âm tính liên tiếp, trước đó điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận nhưng hiện đang được theo dõi tại Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Bình Thuận.
Thông tin về những người có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết về chuyên môn, có thể có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn, tức là trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh nên chưa khỏi bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ hai, khả năng người này đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt (xác virus), bởi khi chúng ta làm khuếch đại gene, gene của virus này có thể xác định được. Nghĩa là đào thải ra mầm bệnh nhưng là mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ ba, là người lành mang trùng (chúng ta có 1 trường hợp ở dạng này dù chưa chắc chắn có phải thế không), xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để khống chế, kiểm soát, tiêu diệt virus.
Theo Tiền phong