Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Bà Ursula Von Der Leyen. (Ảnh sưu tầm) |
Về phần mình, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đề xuất của EU sẽ là một nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Trong một tuyên bố, Madrid hoan nghênh đề xuất trên là lời đáp cho "rất nhiều trong số các đề nghị của Tây Ban Nha".
Trước đó cùng ngày, bà Leyen đã đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đề xuất này cần phải giành được sự ủng hộ của các nước thành viên để được thực thi. Dự kiến bà Leyen sẽ đệ trình kế hoạch trước Nghị viện châu Âu (EP) trong ngày 27/5 trước khi tiến hành một cuộc họp báo. Nếu được thông qua, đây là sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU và sẽ bao gồm các biện pháp đánh thuế sâu rộng đối với các mặt hàng nhựa, khí thải carbon và các hãng công nghệ lớn.
Kế hoạch trên được đưa ra sau nhiều áp lực lớn từ Italy và Tây Ban Nha - những nước đầu tiên chịu tác động của đại dịch cũng như phải gánh chịu các khoản nợ lớn nhằm tái thiết nền kinh tế. Nếu được thông qua như dự thảo, Italy sẽ được viện trợ trực tiếp 81,8 tỷ euro trong 3 năm tới, trong khi Tây Ban Nha sẽ nhận được 77,3 tỷ euro. Ngoài ra, Italy và Tây Ban Nha cũng sẽ được vay số tiền lần lượt là 90 tỷ euro và 31 tỷ euro. Ngoài 650 tỷ hỗ trợ và cho vay, EU cũng dành 100 tỷ euro cho các chương trình giải cứu.
Italy và Tây Ban Nha nằm trong số những nước bị tác động mạnh nhất trong đợt dịch COVID-19. Tây Ban Nha hiện ghi nhận 283.339 ca nhiễm, trong đó 27.117 ca tử vong, trong khi tại Italy, 230.555 người đã nhiễm COVID-19 và 32.955 ca tử vong.
Trong phát biểu mới nhất, bà Leyen kêu gọi các thành viên EU hãy "gạt ra các định kiến của mình" và ủng hộ chiến lược phục hồi chung. Được biết, trước khi EC công bố kế hoạch trên, ngày 23/5, các quốc gia EU gồm Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, tự nhận là "Bộ tứ tằn tiện", đã trình đề xuất riêng của mình nhằm phục hồi kinh tế sau dịch, tái khẳng định phản đối việc giảm nợ hoặc chuyển một lượng tiền hỗ trợ lớn đến cho các nước Nam Âu.
Bộ tứ trên muốn việc hỗ trợ khẩn cấp cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề được thực hiện dưới dạng các khoản vay một lần "với kỳ hạn ưu đãi", có thể được nhất trí trong vòng 2 năm. Bên cạnh đó, số tiền cho vay có thể "được chuyển thẳng tới các hoạt động đóng góp phần lớn cho việc phục hồi như nghiên cứu và cải tiến, tăng khả năng chống chọi của lĩnh vực y tế và đảm bảo một sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh". Đề xuất nêu rõ việc hỗ trợ phục hồi kinh tế phải đi kèm với "một cam kết cải cách mạnh mẽ và khuôn khổ tài chính", coi đây là một nghĩa vụ đối với các nước nhận hỗ trợ.
Bà Leyen khẳng định: "Ngày mai, cái giá của việc không hành động chống khủng hoảng sẽ còn đắt hơn nữa. Giờ đây hãy cùng nhau đặt các nền móng cho tương lai chung. Hãy gạt đi các định kiến cũ".
Theo Báo Tin tức