Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Không chỉ online, bán lẻ offline cũng hứa hẹn bùng nổ hậu Covid-19 tại Việt Nam

Tổ Quốc 10:24 27/05/2020

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, trên thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý I năm 2020 vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.

Điểm sáng từ mua sắm trực tuyến

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, doanh thu trong quý I ngàn F&B, dịch vụ khách sạn và dịch vụ du lịch giảm lần lượt 9,6% và 27,8%. Số liệu của CBRE Việt Nam cũng cho biết, lượng khách đến tại các trung tâm mua sắm giảm khoảng 80% ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong thời gian dịch. Trong bối cảnh doanh thu mua sắm trực tiếp sụt giảm, thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trở thành cứu cánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ theo nhận định của hãng nghiên cứu này.

Số liệu của CBRE hồi cuối tháng 4 vừa qua cũng cho thấy cuộc đua nhộn nhịp giữa các sàn thương mại điện tử kỳ cựu và những tay chơi mới. Theo đó trong giai đoạn dịch, Tiki đạt kỷ lục với 4.000 đơn hàng/phút, SpeedL và Saigon Co.op cũng tăng trưởng theo cấp số nhân trong mảng bán hàng trực tuyến. Mặt khác, nền tảng gọi xe Grab cũng nhanh chóng kích hoạt dịch vụ 'GrabMart' để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng khi ở nhà.

CBRE cho biết tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương, kênh bán hàng đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động tốt trong thời gian dịch, từ sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm đến hàng hóa xa xỉ như xe hơi hay thậm chí là các dịch vụ như tham quan, bảo tàng, tour du lịch, bất động sản. Về lâu dài, sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là nền tảng vững chắc cho tương lai trên thị trường bán lẻ.

Bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám đốc - Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ của CBRE Việt Nam, cho biết: "Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến lưu lượng khách trực tiếp nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để tăng trưởng tích cực cho các mô hình vừa và nhỏ như vậy là cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử là một điểm sáng và đang biến đổi để hỗ trợ các cửa hàng vật lý trong thời gian dịch. Bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt hơn và thậm chí có thể vượt trội hơn sau dịch Covid-19".

Bán lẻ offline vẫn là kênh khó thay thế

Thị trường bán lẻ Việt Nam được AT Kearney đánh giá thuộc nhóm sôi động nhất thế giới. Có nhiều con số, xu hướng phát triển khiến các nhà bán lẻ trong và ngoài nước nhận thấy sức hấp dẫn và cơ hội lớn ở lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trogn khu vực. Quy mô dân số Việt Nam gần 100 triệu người, với nhóm dân số trẻ, thu nhập tăng dần. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hình thành xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới, đặc biệt trong các không gian mua sắm hiện đại.

"Dịch bệnh làm cho thu nhập người dân bị ảnh hưởng, tổng nhu cầu có thẻ bị sụt giảm, nguồn cung có khả năng bị sụt giảm theo. Quan trọng là ai trụ lại, chuẩn bị phương án để khi dịch bệnh kết thúc, đứng lên và chạy nhanh về tương lai", ông Nguyễn Đức Tài – chủ tịch Thế giới di động, chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư hồi đầu tháng 4 mới đây.

Trước sức ép của Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ gấp rút lên phương án thích nghi. Vốn là ông lớn bán lẻ truyền thống thành lập từ năm 1996, Saigon Co.op là điển hình thích nghi khi chuyển sang bán hàng đa kênh trong vài năm gần đây như bán lẻ qua truyền hình, áp dụng Scan & Go, bắt tay với MoMo.

"Sau khi đa dạng các loai hình bán lẻ, chúng tôi đang hướng tới bán hàng đa kênh (Omnichanel)", ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Saigon Co.op chia sẻ trên tạp chí Forbes mới đây.

Nghiên cứu của Nielsen "COVID-19- Đâu là nơi người tiêu dùng hướng tới?" mới đây cho biết Việt Nam nằm trong top 3/11 các quốc gia, vùng lãnh thổ, theo xu hướng nấu ăn tại nhà với tỷ lệ 62%, xế sau Trung Quốc (86%) và Hong Kong (77%).

Xu hướng này thể hiện một cơ họi rất lớn cho những nhà bán lẻ và nhà sản xuất. Nielsen Việt Nam cho rằng sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài sang giai đoạn hậu Covid-19. Xu hướng này tạo nên cơ hội mới cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm tái tư duy về các dịch vụ sức khỏe, đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng được sự hài lòng về nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thân thiện- những vẫn có chất lượng cao và đảm đạt chuẩn vệ sinh cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều hơn.

Đối với những nhà bán lẻ, việc khai thác sâu các kênh trực tuyến, tận dụng các kênh giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (Offline to online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh sẽ là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai.

"Chúng tôi cũng xác định là phải tận dụng "sức gió Covid-19" để đẩy nhanh hơn nữa quá trình "F5- Nhấn nút tái tạo" trong hành trình chuyển đổi số mà PNJ đã bắt đầu từ cuối 2017. Đó là quá trình mà PNJ nhìn lại chính mình để tự cải cách và tự tái tạo một cách toàn diện - kết hợp với việc áp dụng các công nghệ mới, cách thức làm việc và phối hợp mới, theo mô hình mới nhằm tạo ra các năng lực mới và sức bật mới cho PNJ.

Quả thật là "sức gió Covid-19" làm cho chúng tôi phải chạy nhanh hơn. Dịch bệnh giúp san bằng các "hàng rào" trong việc áp dụng cách làm việc và cách phối hợp theo mô hình "phẳng hơn" mà chúng tôi muốn theo đuổi", ông Lê Trí Thông- CEO chuỗi bán lẻ trang sức PNJ cũng chia sẻ góc nhìn khá mới về tác dụng tích cực mà Covid-19 tác động đến chuỗi này.

Tuy online đang dần len lỏi nhiều hơn vào mô hình kinh doanh của các nhà bán lẻ nhưng thực tế, offline với những chuỗi cửa hàng, sản phẩm cụ thể vẫn là kênh bán lẻ không thể thay thế, thậm chí lại có sức bùng nổ sau giai đoạn giãn cách xã hội. Mới đây trong buổi hội thảo do tạp chí Forbes tổ chức, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế giới di động cũng thừa nhận mảng kinh doanh online chỉ hỗ trợ được phần nào nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho cửa hàng vật lý của hệ thống này. Ngay sau khi tháo gỡ cách ly, ông lớn ngành bán lẻ này đạt tăng trưởng tốt do có chương trình từ trước để kích cầu mua sắm và bán các mặt hàng mùa vụ như máy lạnh, tủ lạnh, điều hoà, quạt mát.

Thực tế tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam vẫn thích được quan sát, thử hàng trực tiếp hơn là mua sắm trực tuyến. Nhiều người vẫn cho rằng mua hàng qua mạng không thể kiểm chứng được chất lượng khiến người tiêu dùng vẫn lựa chọn đến cửa hàng sau khi đã tham khảo thông tin từ các nguồn online. Một trường hợp khác là khi họ đặt hàng chính hãng từ các website uy tín, thời gian chờ đợi để được nhận hàng khá lâu, trong khi hiện nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới đã có mặt ngay tại các TTTM trong nước như Zara, HM, UniQlo, Decathlon. Khách hàng có thể tới tận nơi để lựa chọn được sản phẩm ưng ý mà không phải lo lắng liệu món hàng có chuẩn kích thước, có đúng chất liệu mình thích hay không.

Ngay sau dịch, người dân đã tấp nập tới các cửa hàng, TTTM để mua sắm.

Cộng với tâm lý mua sắm bị đè nén trong thời gian cách ly, nhiều chuyên gia cho rằng người tiêu dùng sẽ nhanh chóng trở lại nhộn nhịp tại các trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa lớn. Tâm lý này càng được hỗ trợ khi nhiều nhãn hàng và những trung tâm thương mại như Vincom đang triển khai các chương trình kích cầu, kéo khách hàng trở về với nhịp sống trong bối cảnh bình thường mới.

Link gốc : khong-chi-online-ban-le-offline-cung-hua-hen-bung-no-hau-covid-19-tai-viet-nam-

Bạn đang đọc bài viết Không chỉ online, bán lẻ offline cũng hứa hẹn bùng nổ hậu Covid-19 tại Việt Nam tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường