Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Thế Hùng.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, 4 nội dung bàn thảo hôm nay rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia có cùng hành động là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn, dập dịch sớm nhất có thể và đưa ra các gói kích thích kinh tế.
Tại Việt Nam, để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, nới lỏng tiền tệ tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích để thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước, qua đó tìm các biện pháp, giải pháp đủ mạnh, dễ hiểu, dễ vận dụng để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Ưu tiên chống dịch, đồng thời hỗ trợ sản xuất
Trong chương trình làm việc, hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và công tác chủ động phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Các ngành chịu tác động nặng nề là vận tải, da giày, may mặc, tài chính... Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 chỉ tăng 3,82%. Đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.
Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước tính khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng thông tin, trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân; đồng thời, liên tiếp ban hành các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Như gói hỗ trợ về an sinh xã hội, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Gói này được tăng từ hơn 80 nghìn tỷ đồng như dự kiến trước đó lên tới hơn 180 nghìn tỷ đồng, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi. Ước tính, có tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Ngoài ra, gói hỗ trợ tiền tệ hiện đã được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này là gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã thông tin một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đồng thời đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “Hà Nội cam kết với Thủ tướng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương trên địa bàn triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được Chính phủ xác định”.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành cùng với Hà Nội đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thành phố cũng mong muốn các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là đường Vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, cố gắng phấn đấu đến tháng 9 sẽ hoàn thành…
Về thể chế, chính sách, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện; chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
Hành động ngay để giảm tác động của dịch bệnh
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp vào nội dung hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, trong đó Hà Nội, Hải Phòng, đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có các giải pháp rất kịp thời và sắc bén.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đã diễn ra ở một số nơi, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, bởi việc chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để ổn định cuộc sống, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ dẫn đến chỉ số âm trong phát triển.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện; chống nguy cơ đầu cơ nâng giá; tìm thị trường mới, biến nguy thành cơ.
Sau dịch Covid-19, các cấp, ngành phải làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ngay. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả 3 lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay. Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.