Các cuộc bạo động đã lan rộng tại nhiều thành phố ở Mỹ vào tối 30/5, bắt nguồn từ các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd - một người da đen bị cảnh sát đè gối lên cổ ở thành phố Minneapolis.
Nhiều xe hơi đã bị đốt cháy ở New York, Seattle và Philadelphia. Ở Los Angeles, người biểu tình đập phá kính chắn gió của xe cảnh sát, phóng hoả chốt an ninh của cảnh sát bên ngoài một trung tâm thương mạng, và hôi của từ các cửa hiệu Nordstrom và Ray Ban.
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su cũng như dùi cui để đối phó với người biểu tình. Ít nhất 25 thành phố ở 16 bang của Mỹ đã phải công bố lệnh giới nghiêm để đối phó bạo lực.
Làn sóng bạo lực đã lan tới New York, với nhiều xe cảnh sát bị phá huỷ và đốt cháy. Ảnh: Internet |
Bạo lực và bất ổn lan rộng
Tại bang Minnesota, nơi các cuộc biểu tình nổ ra hồi đầu tuần này sau cái chết của George Floyd ở thành phố Minneapolis, Thống đốc Tim Walz đã yêu cầu người dân tuân thủ lệnh giới nghiêm được áp đặt vào 20h hàng ngày.
Ông Walz cho biết đã huy động toàn bộ lực lượng vệ binh quốc gia của bang để đảm bảo trật tự, sau một đêm đầy bạo lực và cướp bóc. Ông cũng để ngỏ khả năng yêu cầu sự viện trợ của quân đội.
Các vụ bạo động lan rộng diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng vì Covid-19, với hơn 100.000 người thiệt mạng và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Hơn 40 triệu người lao động ở Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ tháng 3.
Tại Indianapolis ở bang Indiana, cảnh sát cho biết họ đang điều tra một số vụ nổ súng xảy ra ở trung tâm thành phố khi cuộc biểu tình đang diễn ra. Một người đã thiệt mạng ở đây, theo AP.
Nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ cũng áp đặt lệnh giới nghiêm và tăng cường lực lượng an ninh để đảm bảo trật tự, cũng như chuẩn bị cho trường hợp bạo lực gia tăng.
Ở Los Angeles, hơn 500 người đã bị bắt và 6 sĩ quan cảnh sát bị thương trong ngày 29/5, và Thị trưởng Eric Garcetti tuyên bố lệnh giới nghiêm từ 20h được áp đặt trên toàn bộ thành phố kể từ tối ngày hôm sau. Lực lượng vệ binh quốc gia của bang California cũng được điều động ngay trong đêm.
Tại Seattle, Thị trưởng Jenny Durkan cũng công bố lệnh phong toả bắt đầu từ 17h sau khi người biểu tình tràn vào trung tâm thành phố. Trong đoạn băng được chia sẻ trên Internet, một người biểu tình bịt mặt mang theo súng trường.
Các cuộc tuần hành cũng biến thành bạo lực ở Miami, Philadelphia, Chicago và nhiều thành phố khác.
Tại New York, một đoạn băng lan truyền trên mạng ghi lại hình ảnh xe cảnh sát lao vào đám đông người biểu tình, và hơn 200 người đã bị bắt giữ kể từ tối 29/5.
Người biểu tình đập phá xe cảnh sát ở Los Angeles - thành phố nơi mối quan hệ giữa cộng đồng người da đen với cảnh sát từng rất căng thẳng trong thập niên 1990. Ảnh: Internet |
Tại thủ đô Washington D.C, người biểu tình đã xô đổ hàng rào chắn bên ngoài Nhà Trắng, bắn pháo hoa vào cảnh sát khiến cho lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông.
Làn sóng biểu tình bắt nguồn từ vụ ông George Floyd, một người da đen ở Minneapolis tử vong sau khi bị sĩ quan Derek Chauvin - một người da trắng - đè đầu gối lên gáy trong vòng hơn 7 phút, bất chấp ông Floyd nói mình không thở được.
Hôm 29/5, sĩ quan Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ 3 (hình phạt tối đa 25 năm) ở bang Minnesota, sau nhiều ngày các nhà vận động bảo vệ quyền của người da đen kêu gọi chính quyền bắt giữ và truy tố viên cảnh sát này.
Ai đứng sau bạo lực?
Ban đầu, các cuộc biểu tình và tuần hành diễn ra ôn hoà nhưng chuyển sang trạng thái bạo lực vào tối thứ năm.
Tại thành phố Oakland bang California, một nhân viên hợp đồng của Bộ An ninh Nội địa đã tử vong sau khi bị bắn từ một chiếc xe đi qua vào tối ngày 29/5, theo FBI.
Bạo lực sau đó diễn ra ở Minneapolis và St. Paul, khi người biểu tình đốt phá và ném gạch vào nhân viên an ninh.
Chính quyền địa phương đã phải sử dụng toàn bộ lực lượng vệ binh quốc gia của bang. Thống đốc Tim Walz cho biết đây là lần huy động quân số lớn nhất trong lịch sử bang Minnesota, nhưng như vậy theo ông vẫn là "chưa đủ".
Bạo loạn ở Los Angeles hôm 30/5 sau cuộc biểu tình hòa bình ban đầu. Ảnh: Internet |
Ông Walz cho biết những cuộc tuần hành ban đầu là ôn hoà, và việc những người biểu tình giận dữ trước cái chết của ông George Floyd là có thể thông cảm được.
Nhưng sau đó, theo thống đốc, mọi thứ đã biến thành hành động phá hoại được thúc đẩy bởi những người cực đoan, muốn gây bất ổn cho thành phố và phá hoại xã hội dân sự.
"Những gì diễn ra đêm qua không phải vì cái chết của George Floyd hay sự bất bình đẳng, hay là vì những tổn thương lịch sử với cộng đồng người da màu của chúng ta", ông Walz tuyên bố và nói thêm rằng hầu hết người kích động bạo lực đến từ bên ngoài bang, và những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng có thể liên quan đến việc này.
Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho rằng tại một số thành phố, có vẻ như làn sóng bạo lực đã được lên kế hoạch và tổ chức bởi "những người cực tả vô chính phủ", và Bộ Tư Pháp sẽ truy tố những người đi từ bang này đến bang khác để tham gia bạo động.
Tuy nhiên ông Barr cũng cam kết điều tra nghiêm túc về cái chết của George Floyd.
Cảnh sát chống bạo động tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nơi cái chết của ông George Floyd khởi nguồn cho làn sóng biểu tình. Ảnh: Internet |
Ông Brian Levin, cựu sĩ quan cảnh sát New York, người đang là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thù ghét và Cực đoan ở Đại học California, San Bernardino, cho rằng còn quá sớm để nói chính xác ai đứng sau làn sóng bạo lực đang diễn ra. Mọi thứ sẽ dần lộ ra sau khi cảnh sát xem xét hồ sơ của những trường hợp bị bắt.
Ông Levin cho biết đã có một số thông tin cho rằng nhiều nhóm cực hữu có liên quan đến làn sóng bạo lực này, nhưng mọi người thuộc mọi hệ tư tưởng cực đoan, bao gồm các thế lực nước ngoài, có thể sử dụng sự hỗn loạn hiện tại để phục vụ mục đích của riêng mình.
Theo Zingnews