Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cần xử lý nghiêm sai phạm đất đai tại thành phố Hòa Bình

TDVN 06:29 09/06/2020

Hàng loạt sai phạm trong việc chuyển đổi từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh thành đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, rồi tách bìa, chia thửa, xây dựng nhà tầng kiên cố trái phép...

Ảnh minh họa

Cố tình cấp sai mục đích

Theo điều tra của phóng viên, khu đất thương mại, dịch vụ (DV2) thuộc khu dân cư bắc Trần Hưng Đạo, TP Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào cuối năm 2006. Đến năm 2014, khu đất DV2 đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp cho Công ty cổ phần SUDICO Hòa Bình với diện tích 5.329 m2, tại thửa đất 1027, tờ bản đồ số 05; mục đích sử dụng: “đất cơ sở sản xuất kinh doanh”, sử dụng đến năm 2055; nguồn gốc sử dụng: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Ngày 2-8-2016, Công ty SUDICO Hòa Bình chuyển nhượng cho ông Đỗ Văn Nhanh lô đất DV2 với số tiền gần 12 tỷ đồng. Thế nhưng, đến ngày 25-8-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Hòa Bình lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho ông Nhanh thửa đất trên với mục đích sử dụng là: “Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp” do ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Hòa Bình ký (hiện ông Đinh Văn Hòa nghỉ hưu theo chế độ từ đầu tháng 4-2020).

Ngày 27-9-2016, ông Nhanh chuyển nhượng một phần là 2.000 m2 cho ông Hà Văn Cương với số tiền là 8,4 tỷ đồng và được Sở TN và MT tách giấy CNQSDĐ vẫn là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Ông Nhanh còn lại diện tích 3.329 m2 và được Sở Xây dựng Hòa Bình cấp phép xây dựng theo quy định quy hoạch gồm: Nhà văn phòng làm việc, nhà hàng ăn uống, nhà kinh doanh thương mại, tổng mật độ 30% và sân vườn, cây xanh là 60% (ông Nhanh đã xây dựng hết phần diện tích theo mật độ quy hoạch). Tuy nhiên, sau khi được cấp phép xây dựng, ông Nhanh tiếp tục chuyển nhượng và tặng quyền sử dụng đất cho bảy hộ gia đình, cá nhân, cụ thể gồm: Bà Đỗ Thị Chi 120 m2; ông Trần Văn Bộ 120 m2; ông Đỗ Văn Chậm 300,1 m2; ông Đỗ Văn Kim 450,1m2; bà Lê Thái Phương 390,2 m2; bà Lê Thị Thu Hương 120 m2 và tặng một phần đất cho bà Dương Thị Hoa 671 m2. Sau khi chuyển nhượng cho các hộ gia đình nêu trên, ông Nhanh còn 1.157,6 m2. Tất cả tám thửa đất này đều được Sở TN và MT cấp Giấy CNQSDĐ và Giám đốc Sở TN và MT Đinh Văn Hòa ký. Điều đáng nói là trong các gia đình nêu trên đã có bốn gia đình xây dựng nhà hai, ba tầng kiên cố không có giấy phép, phá vỡ hoàn toàn quy hoạch xây dựng của tỉnh Hòa Bình.

Như vậy, việc Sở TN và MT, cụ thể là Giám đốc Đinh Văn Hòa ký cấp giấy CNQSDĐ cho ông Nhanh từ đất cơ sở sản xuất kinh doanh thành đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đã sai ngay từ đầu, sau đó cấp tiếp giấy CNQSDĐ cho tám người lại càng sai quy định pháp luật. Theo Thanh tra tỉnh Hòa Bình, việc Sở TN và MT Hòa Bình cấp giấy CNQSDĐ từ đất DV2 sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là không đúng quy định tại Điểm a, khoản 6, Điều 6, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ TN và MT quy định về giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

Sai phạm đã rõ, tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN và MT) lại đưa ra nguyên nhân là: do cán bộ chuyên môn tích nhầm mã ký hiệu SKD (đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp) nên in nhầm mục đích sử dụng đất từ hộ ông Nhanh cho đến tám hộ nêu trên.

Cần xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm

Đầu năm 2018, UBND xã Sủ Ngòi phát hiện bốn hộ gia đình là: bà Phương, bà Chi, ông Bộ và ông Kim đã xây dựng công trình sai so với quy hoạch đã được phê duyệt và tiến hành lập biên bản xử phạt mỗi hộ 5 triệu đồng theo quy định, đồng thời báo cáo lên UBND thành phố Hòa Bình. Đại diện lãnh đạo xã Sủ Ngòi cho biết, mặc dù xã rất quyết liệt, nhưng do thẩm quyền có hạn, cũng chỉ xử phạt hành chính theo quy định rồi báo cáo ngay lên cấp trên là UBND thành phố Hòa Bình để có biện pháp xử lý cưỡng chế, tháo dỡ. Thế nhưng, kiến nghị của xã Sủ Ngòi đã không được TP Hòa Bình xử lý cưỡng chế mà để đến ngày 10-5-2019, khi bốn công trình đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì UBND thành phố Hòa Bình mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo kiểu “vuốt đuôi”. Theo văn bản xử lý vi phạm do ông Phạm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố ký, mỗi hộ bị phạt 55 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình trong 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định. Song, xử phạt là vậy, nhưng tiền phạt cũng không thu được, công trình vi phạm vẫn đứng sừng sững hơn một năm nay.

Tháng 2-2020, trao đổi với ông Phạm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình phụ trách trật tự xây dựng (lúc ông Thắng chưa chuyển công tác - PV) cho biết, thành phố đã thừa nhận lỗi khi để xảy ra sai phạm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và cần thời gian để khắc phục. Tuy nhiên, hàng loạt sai phạm vẫn không được khắc phục mà ông Thắng lại vừa được điều chuyển làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình hồi đầu tháng 4-2020.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình Quách Cao Sơn cho biết, việc tách thửa đất và xây dựng thêm công trình trên lô đất đã được Sở TN và MT cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền của ông Nhanh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh về quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 là sai. Việc ông Nhanh chia nhỏ các công trình theo quy hoạch về kiến trúc cảnh quan, đấu nối hạ tầng là chưa đủ cơ sở để thực hiện cấp giấy phép xây dựng. Vì vậy, Sở TN và MT không cấp giấy phép xây dựng cho các hộ này. Bên cạnh đó, trước khi cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân tại các lô đất DV2, Sở TN và MT đã không phối hợp Sở Xây dựng về việc thực hiện dự án theo quy hoạch...

Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo UBND thành phố Hòa Bình tiến hành các biện pháp tháo dỡ các công trình xây dựng trái quy hoạch, không có giấy phép xây dựng tại lô đất DV2... Sai phạm này đã được Thanh tra tỉnh chỉ rõ, kiến nghị các đơn vị liên quan kiểm điểm tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai phạm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh từ tháng 9-2019. Tuy nhiên, trao đổi với ông Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN và MT Hòa Bình cho biết, phía lãnh đạo Sở cũng chưa tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan sự việc. Quan điểm của Sở TN và MT là làm đúng theo quyết định của Thanh tra tỉnh, sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che...

Không những thế, ông Đinh Văn Hòa, nguyên Giám đốc Sở TN và MT (người ký hàng loạt giấy CNQSDĐ sai quy định vẫn về hưu theo chế độ từ đầu tháng 4-2020) mà không hề bị xử lý kỷ luật; ông Phạm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình còn được luân chuyển làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng hồi đầu tháng 4-2020. Điều đáng nói là đến nay, các công trình nhà tầng xây kiên cố vẫn chưa được cưỡng chế xử lý, tháo dỡ theo quy định. Đề nghị tỉnh cùng các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc cưỡng chế xử lý các công trình sai phạm; đồng thời kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng nêu trên.

Theo Hà Tĩnh quê tôi

Link gốc : http://hatinhquetoi.net/tin-tuc/can-xu-ly-nghiem-sai-pham-dat-dai-tai-thanh-pho-hoa-binh.html

Bạn đang đọc bài viết Cần xử lý nghiêm sai phạm đất đai tại thành phố Hòa Bình tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua