Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp do dịch Covid-19 dưới góc nhìn của ĐB Quốc hội

TDVN 11:58 14/06/2020

Những băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ mà Chính phủ đã đưa ra trong thời gian qua để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.

Miễn, giảm, giãn thuế chỉ phù hợp với doanh nghiệp còn hoạt động?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐQBH Quảng Bình bày tỏ băn khoăn về tình trạng nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao sau dịch COVID-19, kéo theo nhiều lao động mất việc làm, thất nghiệp, nguồn thu của quốc gia giảm sút nghiêm trọng, hậu quả để lại cho hệ thống ngân hàng tăng nợ xấu.

Về các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, thu ngân sách, Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn. Do vậy, cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra.

Để bảo đảm dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả 2021. Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế và không làm giảm thu ngân sách.

“Cũng cần lưu ý, nới lỏng chính sách tiền tệ phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, thu ngân sách giảm mạnh trong khi phải tăng chi để chống dịch, khôi phục kinh tế nên cần sắp xếp lại chi và nới trần bội chi. Chính phủ đã có nhiều tờ trình về chính sách tài khóa.

Bày tỏ thống nhất với các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách để đồng hành cùng Chính phủ khắc phục khó khăn, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, cần có đánh giá cụ thể và sớm trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu, chi, bội chi ngân sách. Do thu ngân sách giảm sâu không thể chi theo dự toán cũ, nên trong khi chưa trình được Quốc hội điều chỉnh dự toán, Chính phủ cần thường xuyên đánh giá tình hình để điều hành phù hợp, không thể chi như cũ khi thu đang bị ảnh hưởng lớn như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần cập nhật kịp thời nguồn thu, khả năng vay để sắp xếp lại các nhiệm vụ chi ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp thiết. Đặc biệt các địa phương mức bội chi thấp, thu giảm nếu chậm chễ sắp xếp lại chi thì hệ quả sẽ rất lớn.

Đây là lúc khơi dậy "vai trò chủ đạo" doanh nghiệp nhà nước

Một vấn đề lớn hiện nay là dịch COVID-19 gây ra “đứt gãy” chuỗi sản xuất, có thể kéo dài nhiều năm. Để lấp đầy lỗ hổng của chuỗi sản xuất, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, ngoài việc thu hút chọn lọc FDI, phát triển kinh tế tư nhân thì cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước theo đúng phương châm là đầu tư vào lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm do không mang lại hiệu quả hoặc do không đáp ứng được đòi hỏi phải có số vốn lớn để đầu tư.

Tuy nhiên, để thực hiện được, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, cần nhìn nhận lại doanh nghiệp nhà nước - bộ phận chủ yếu của kinh tế nhà nước ở hai khía cạnh.

Một là, do phải đầu tư vào các lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm nên trong các trường hợp này phải nhìn nhận khách quan hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không thể đòi hỏi lợi nhuận, hệ số sử dụng vốn như trong các điều kiện bình thường khác, có như vậy doanh nghiệp nhà nước mới dám đầu tư.

Hai là, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải coi là cơ cấu lại danh mục nhà nước đầu tư nên tiền thu được ngoài việc nộp ngân sách để chi đầu tư cần phải giành nguồn cho đầu tư, mở rộng doanh nghiệp nhà nước kể cả thành lập mới để hoạt động trong các lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm. “Đây là vấn đề cần giải quyết để cơ cấu lại nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi sản xuất và phát triển bền vững lâu dài”, đại biểu đề xuất.

Bổ sung ý kiến này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Về vốn đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, đến hết quý I-2020, có 29 bộ, ngành, địa phương có số giải ngân vốn đầu tư công dưới 5%. Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê về việc giải ngân tăng 1% thì GDP tăng 0,06%, nhưng nếu hạ 1 lần Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) thì GDP tăng 1,42%, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, giải pháp phải theo đuổi lâu dài là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chứ không phải là giải ngân bằng mọi giá.

PV

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nhin-nhan-the-nao-ve-chinh-sach-thue-ho-tro-doanh-nghiep-do-dich-covid-19-d13597.html

Bạn đang đọc bài viết Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp do dịch Covid-19 dưới góc nhìn của ĐB Quốc hội tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua