Khi nói về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về trách nhiệm trong giới thiệu nhân sự để bảo đảm công tâm, khách quan, trong sáng, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức, đủ tài dẫn đến hại nước, hại dân, “đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Vậy theo ông những điều này có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong công tác nhân sự?
Ông Nguyễn Đức Hà: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị khiến chúng tôi rất tâm đắc, đi vào lòng người. Không chỉ cán bộ lãnh đạo mà đảng viên, quần chúng nhân dân cũng mong muốn những điều đó được các cấp ủy thực hiện có hiệu quả. Công tác nhân sự của Đại hội là cực kỳ quan trọng. Nếu chọn đúng người có đức, có tài, vì nước, vì dân thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ, ngược lại chọn không đúng sẽ gây ra nhiều tai họa.
Tuy nhiên, việc lựa chọn nhân sự không chỉ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà phải nghĩ cả đến Đại hội Đảng bộ các cấp cũng vậy. Ở tất cả các cấp ủy, việc lựa chọn nhân sự đều đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, công tâm, khách quan để làm sao chọn đúng người, bố trí đúng chỗ và bố trí đúng việc. Đây là những vấn đề rất quan trọng. Muốn làm được việc đó thì như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ về trách nhiệm của cấp uỷ, trách nhiệm của các tổ chức Đảng ra sao, cũng như trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ và cả trách nhiệm của những người giới thiệu nhân sự. Như vậy, lần này vấn đề trách nhiệm đặt ra rất rộng, rất lớn, ai cũng phải có trách nhiệm với công việc hệ trọng này.
Một điểm nhấn quan trọng đòi hỏi phải chú ý nữa là làm sao để lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài như Bác Hồ nói. Do đó, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phải đặc biệt nhấn mạnh với tiêu chuẩn, chính tiêu chuẩn quyết định vấn đề chất lượng. Khi xem xét giới thiệu hay bỏ phiếu thì phải công tâm, khách quan, công bằng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh là “phải có con mắt tinh đời”. Nếu tất cả vì sự nghiệp chung, vì lợi ích chung, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết trước hết thì sẽ lựa chọn được những người xứng đáng. Ngược lại, nếu đặt lợi ích của cá nhân lên trên thì sẽ hỏng hết ngay.
Trong sáng trong lựa chọn cán bộ
Vấn đề đặt ra là làm sao thực hiện được điều đó có hiệu quả, từ đó lựa chọn được những người thực sự xứng đáng, có tâm, có tầm, hết lòng phục vụ đất nước, thưa ông?
Đại hội lần này có sự chuyển giao thế hệ cho nên công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng, vì thế phải chú ý để nhân sự được chọn thực sự là những người vì nước, vì dân, vì trách nhiệm chung. Để làm được điều đó thì các cấp uỷ, người đứng đầu và các cơ quan tham mưu về công tác nhân sự phải thực sự có tâm, có tầm, làm việc một cách khách quan, trong sáng để chọn lựa được những nhân sự thực sự có tín nhiệm cao, uy tín đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực tế chính là tư tưởng, là chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII. Do đó, các cấp ủy và các cơ quan, đơn vị cần phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện.
Trong phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý phải bố trí đúng người đúng việc, tạo ê kíp ăn ý, đoàn kết thống nhất tạo nên sức mạnh. Nhìn lại việc lựa chọn nhân sự khoá XII, theo ông có những điều gì cần lưu ý, rút ra các bài học để thực hiện tốt hơn?
Vấn đề đoàn kết trong Đảng, theo tôi đây là điều hết sức quan trọng. Để có đoàn kết trong Đảng, trước hết phải đoàn kết trong Ban chấp hành Trung ương, đoàn kết trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cán bộ chủ chốt. Sự đoàn kết trong Đảng tạo nền tảng cho sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn dân tộc, từ đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Nếu không có sự đoàn kết thì rất khó để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng của Đảng, của đất nước. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng ta đều thấy, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là rất tốt. Chính sự đoàn kết đó tạo tiền đề để Đảng thực hiện có hiệu quả các mặt về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn ngừa có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham ô, tham nhũng…
Xin cảm ơn ông!
Cương quyết loại bỏ cán bộ “có vấn đề”, dính dáng đến tham nhũng
Từ bài học trong việc lựa chọn nhân sự Đại hội XII vừa qua, ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, lần này Tiểu Ban nhân sự cần cương quyết loại những nhân sự “có vấn đề” hoặc dính dáng đến vụ việc tiêu cực. Cùng với đó phải siết trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giới thiệu nhân sự. Trước khi giới thiệu nhân sự, người giới thiệu cần phải lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau cả ở chiều dọc, chiều ngang, chứ chỉ nghe một chiều thì đánh giá sẽ không khách quan. Đặc biệt là tìm hiểu từ cơ sở nơi nhân sự đó đang làm việc và sinh sống. Như thế sẽ thu nạp được những thông tin đa chiều, khách quan về nhân sự mà mình định giới thiệu… Có như thế mới tránh được giới thiệu nhân sự không xứng đáng vào bộ máy.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm về nhân sự mình giới thiệu
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác nhân sự từ Đại hội Đảng bộ các cấp, vì “dưới có vững thì trên mới chắc”. Đặc biệt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu; không được vì thích ai, ghét ai mà giới thiệu không chuẩn. “Cái này trong cuộc sống không phải không có, chưa nói đến cánh hẩu, mới chỉ là yêu hay ghét, thích hay không thích thôi. Vì thế, khâu giới thiệu ban đầu rất quan trọng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, đồng thời nhấn mạnh các cơ quan, tổ chức có liên quan, trước hết là Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương phải dày công chuẩn bị. Các cơ quan, tổ chức liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ then chốt của then chốt, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và sự phát triển bền vững, vững mạnh của đất nước. “Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII là chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.Theo Tiền Phong