Hiệu quả từ mô hình mới
Thời gian qua, khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc các phường Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối (thuộc quận Long Biên) thường xảy ra tình trạng đổ trộm đất trạc, phế thải và các loại rác thải. Khi bị chính quyền cơ sở lập barie hay cử người cắm chốt trực ở cửa khẩu, các phương tiện, đối tượng đổ trộm sẽ tìm cách di chuyển qua các tuyến đường liên thông giữa các phường, chọn nơi khuất nẻo để đổ bậy trong chớp mắt rồi tháo chạy.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Long Biên, thực trạng trên chính quyền cơ sở biết, hết sức đồng cảm với người dân, nhưng việc tìm ra một giải pháp căn cơ không hề đơn giản. Hiện tại, phường đã và đang thí điểm một phương án thỏa thuận cho cá nhân tự nguyện đứng ra nhận quản lý giúp UBND phường chống lấn chiếm, chống đổ rác thải, giữ vệ sinh môi trường. Điều kiện là cá nhân có năng lực, có uy tín, khi được chọn giao làm, phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc những yêu cầu mà chính quyền cơ sở đề ra.
Hiểu một cách đơn giản, mô hình phối hợp giữa chính quyền cơ sở và người dân ở đây là tại vị trí nhất định trên vùng đất bãi, phường sẽ giao cho cá nhân, tổ chức nào đó chịu trách nhiệm thu gom rách thải, ngăn chặn tình trạng đổ phế thải và đảm bảo giữ sạch môi trường. Bù lại, cá nhân, tổ chức đó được tạo điều kiện trồng cây ngắn ngày, trồng hoa, cây cảnh... để đem lại nguồn thu. Quá trình trông coi và trồng cây, rau, nếu cá nhân, tổ chức bị phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng, để xảy ra tình trạng đổ rác, sẽ lập tức phải dừng mọi hoạt động.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hùng, trải qua thời gian hơn 3 tháng, mô hình này được phường Long Biên áp dụng và chuyển biến bước đầu về vệ sinh môi trường là điều trông thấy rõ. Chủ tịch Nguyễn Đức Hùng cho biết, cùng với việc giám sát thực hiện những yêu cầu – quy định đề ra đối với người được giao thu gom rác thải, chống đổ trộm phế thải, phường đang và sẽ tăng cường nắm bắt các “kênh” thông tin để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực đất bãi.
Người dân đồng tình
Theo chia sẻ của ông Sơn, một người dân tại tổ 12, phố Trạm (phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội), thực tế thời gian qua ngoài khu vực bãi sông Hồng xảy ra ô nhiễm nặng bởi có quá nhiều phế thải xây dựng, phế thải sinh hoạt đổ trộm ra bãi khiến mùi hôi thối bốc lên. Mặc dù nhiều lần người dân đã hưởng ứng việc tổng vệ sinh môi trường do UBND phường phát động nhưng cứ được vài hôm rác thải lại có và nhiều thêm. Tại khu vực ven sông Hồng thậm chí còn có hiện tượng người dân ra vui chơi bị đuối nước ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng con người. Về vấn đề này, phường đã khuyến cáo nhiều lần, cắm biển cảnh báo nguy hiểm nhưng người dân vẫn để ngoài tai.
"Tình trạng tập trung đông người vào buổi chiều hàng ngày đặc biệt là những ngày cuối tuần. Cùng với việc càng nhiều người ra khu vực sông Hồng vui chơi thì tình trạng rác thải vô cơ như: nilon, than củi,... đến rác thải tái chế như: giấy báo, vỏ sữa, vỏ lon bia, chai nhựa... thậm chí cả thức ăn thừa được thải ra càng nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mỹ quan khu vực ven sông. Trước tình trạng trên, việc cho một số cá nhân có trách nhiệm, có uy tín canh tác trồng cây, chăn nuôi để vừa có thu nhập đóng góp cho nhà nước đồng thời trông nom chống lấn chiếm, chống đổ trộm phế thải là một phương án, cách thức hay. Thiết nghĩ cần nhân rộng mô hình này để có thể sử dụng tốt, vừa chống hoang hóa đất đai mà có thể vừa bảo vệ môi trường", ông Sơn cho hay.
Cùng quan điểm, ông Phạm Thanh Tuân, tổ 12, phố Trạm (phường Long Biên) cho rằng, kể từ khi có mô hình mới, tình trạng rác thải ở khu vực bãi giữa sông Hồng đã được cải thiện. Tuy nhiên, do lượng người dân đổ về đây để tìm chỗ vui chơi vẫn làm xuất hiện rác thải sinh hoạt với số lượng lớn. "Mặc dù nhiều lúc người dân đã cùng chính quyền thu gom nhưng do ý thức của một số hộ dân chưa cao nên mỗi khi đến khu vực này để vui chơi thường xả nhiều rác. Theo tôi nên có giải pháp rào chắn, có biển cảnh báo, biển cấm để hạn chế việc người dân ra khu vực này. Bởi ngoài vấn đề xả rác, khu vực này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em", ông Tuân cho hay.