Hà Nội, Chủ nhật Ngày 08/09/2024

Nghi vấn nhà sách Trí Đức kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng?

vietq 06:31 30/03/2021

Hàng loạt sản phẩm hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt, đồ chơi trẻ em “trống” tem hợp chuẩn hợp quy CR, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tại nhà sách Trí Đức địa chỉ 524 đường Láng,

“Vàng thau lẫn lộn”

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng… đang là một trong những vấn đề nhức nhối toàn xã hội. Sự nguy hiểm của nó thể hiện ở chỗ không những gây thiệt hại về kinh tế cho “khổ chủ” mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, lòng tin của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Điều đáng nói, các loại hàng này còn đang len lỏi vào những lĩnh vực tưởng như không thể khiến người tiêu dùng bức xúc: “Tại nhiều địa điểm uy tín như Nhà sách, trung tâm thương mại hay các sàn thương mại điện tử… hàng giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lộng hành”.

Liên quan đến câu chuyện Nhà sách bán hàng không rõ nguồn gốc, chắc hẳn bạn đọc chưa quên vào khoảng giữa năm 2019, một Nhà sách uy tín với hệ thống hàng chục cửa hàng tại TP. Hà Nội đã bị lực lượng Quản lý thị trường “sờ gáy” do bày bán hàng hóa có xuất xứ nước ngoài không dán tem nhãn phụ theo quy định của pháp luật. Hàng loạt các vụ xử phạt hành vi tương tự tại nhiều đơn vị thế nhưng, dường như không lấy đó làm bài học, nhiều Nhà sách khác vẫn coi chuyện xử phạt như “muối bỏ bể” khi bị lợi nhuận che mờ.

Nhà sách Trí Đức (thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển Văn hóa Việt) có địa chỉ tại 524 đường Láng, Trung Hoà, Đống Đa, TP. Hà Nội.

Mới đây, thông qua đường dây nóng, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được hàng loạt thông tin của người tiêu dùng về việc Nhà sách Trí Đức (thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển Văn hóa Việt) có địa chỉ tại 524 đường Láng, Trung Hoà, Đống Đa, TP. Hà Nội kinh doanh hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, đồ chơi trẻ không không có tem hợp chuẩn hợp quy CR, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ người tiêu dùng, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã tiến hành ghi nhận thực tế tại nhà sách Trí Đức. Theo đó, tại đây có rất nhiều mặt hàng được bày bán bao gồm các loại hàng hóa như: Sách, sản phẩm dệt may, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thú nhồi bông, đồ dùng học tập… Thế nhưng, xen lẫn giữa sản phẩm được dán nhãn đầy đủ thì rất nhiều sản phẩm như mỹ phẩm, đồ dùng học tập, thú nhồi bông, đèn xông tinh dầu, sơn màu dành cho trẻ em, miếng dán sticker… cùng rất nhiều sản phẩm khác có xuất xứ từ nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt được bày bán.

Đặc biệt, hàng loạt đồ chơi trẻ em như búp bê, ô tô điều khiển, bộ đồ nấu ăn, câu cá, bộ xếp hình lego… không gắn tem CR cũng được bày bán công khai. Thậm chí, trên nhiều sản phẩm chỉ ghi những dòng chữ tượng hình gần giống chữ Trung Quốc, Thái Lan... Mọi thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng hay cảnh báo đều không có trên sản phẩm. Tất cả thông tin người tiêu dùng nhận được chỉ là giá của bộ đồ chơi.

Sản phẩm đồ chơi không nhãn phụ tiếng Việt, không dán tem hợp quy CR được bày bán tại Nhà sách Trí Đức.

Nguy hại từ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời, Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Có thể thấy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.

Riêng với đồ chơi trẻ em, theo phân tích từ một chuyên gia của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, sở dĩ đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc đồ chơi không qua kiểm định bị coi là nguy hiểm vì chúng thường sản xuất từ nhựa tái chế được bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (phthalic acid esters) - hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Do cơ thể trẻ rất nhỏ nên khi ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của các bé.

Ngoài chất độc trên, các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được phát hiện chứa lượng lớn thành phần kim loại nặng, cực độc hại đối với con người như chì, crôm, mangan, thủy ngân, cadimi... Khi ở nhiệt độ cao hoặc sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, các chất độc hại này có thể bị phát tán ra ngoài và trực tiếp xâm nhập vào cơ thể bé thông qua da, miệng, hô hấp. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với món đồ chơi kém chất lượng lâu dài có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận.

Nhận thấy tác hại của đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN. Theo Quy chuẩn này, các loại đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Theo đó, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Căn cứ quy định của Quy chuẩn này cho thấy, nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em nhà sách Trí Đức đang bán có dấu hiệu vi phạm khi không có thông tin công bố hợp quy và dán tem CR theo quy định. Câu hỏi đặt ra, chất lượng của những sản phẩm trên có đảm bảo hay không?

Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

Link gốc : http://vietq.vn/nghi-van-nha-sach-tri-duc-kinh-doanh-hang-hoa-khong-dam-bao-chat-luong-d185085.html

Bạn đang đọc bài viết Nghi vấn nhà sách Trí Đức kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng? tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua