Công an huyện Sóc Sơn đã mời một số người liên quan vụ đám cưới đốt pháo đỏ đường xảy ra tại xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) để làm rõ nguồn gốc số lượng lớn pháo được đốt vài ngày trước. Liên quan vụ đám cưới tổ chức tại xã Phù Lỗ đốt pháo đỏ đường vài ngày trước, sáng 4/3, nguồn tin từ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, vụ việc được phản ánh từ ngày 1/3.
Sau khi tiếp nhật thông tin, đơn vị phối hợp với công an xã Phù Lỗ xuống hiện trường làm việc. Sau khi lập biên bản vụ việc, Công an huyện Sóc Sơn tiếp tục phối hợp với đơn vị nghiệp vụ - Công an TP Hà Nội xác minh, điều tra nguồn gốc số pháo lớn được đốt tại hôn lễ. Bước đầu, cảnh sát mời một số người liên quan tại hôn lễ để xác minh, làm rõ.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 2/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh, video về một đám cưới trên địa bàn xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội). Video được đơn vị chuyên tổ chức đám cưới ghi lại từ nhiều thiết bị ghi hình. Theo đó, hình ảnh được lan truyền trên mạng thể hiện, pháo hoa tầm thấp được đốt vào buổi tối.
Nhiều cuộn pháo tép được một người đàn ông trung niên rải thành 3-4 dãy trước cửa nhà tổ chức đám cưới. Ngoài ra, hôn trường tổ chức lễ cưới cũng được treo 2 dãy pháo dài hàng chục mét. Trước khi hôn lễ diễn ra, cảnh pháo nổ sáng rực bên đường quốc lộ, khói bốc trắng một đoạn đường khiến hàng trăm phương tiện ùn ứ, di chuyển khó khăn. Một lãnh đạo UBND xã Phù Lỗ xác nhận địa phương tiếp nhận phản ánh về việc đốt pháo số lượng lớn tại một hôn trường trên địa bàn xã.
Vị trí hôn trường sát đường quốc lộ. Do đó, khi có người đốt pháo sáng rực góc đường khiến nhiều phương tiện ùn ứ, di chuyển khó khăn.
Theo vị lãnh đạo này, chủ nhà tổ chức đám cưới là một doanh nhân. Ông từ chối trả lời thông tin có cán bộ xã dự đám cưới trên.
Theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán và kinh doanh các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt lên tới 15 năm tù, tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm tại Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt đến 10 năm tù hoặc bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Đối với hành vi đốt pháo trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, hành vi đốt pháo cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt lên tới 7 năm tù.
Được biết, ông Phạm Văn Minh hiện đang là Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Đại tá Lê Ngọc Ly hiện cũng đang là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn.
Để xảy ra việc đốt pháo trên không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi chiều 2/3, khi sự việc trên được đăng tải trên mạng xã hội, người viết bài này đã điện cho một lãnh đạo UBND xã Phù Lỗ nhưng bản thân lãnh đạo xã không hề hay biết việc đốt pháo diễn ra vào sáng cùng ngày.
Thời điểm nhận thông tin, lãnh đạo xã Phù Lỗ mới cử công an xuống địa bàn để xác thực. Điều đó cho thấy sự buông lỏng trong quản lý, không sâu sát địa bàn của chính quyền địa phương. Bởi đốt một hai quả pháo đã gây dư luận, đốt cả một dây pháo dài trăm mét như vậy ngay giữa ban ngày, ven quốc lộ mà chính quyền địa phương không hay biết thì cũng là điều rất lạ.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an và các địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong việc ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng vận chuyển, sử dụng, buôn bán pháo trái phép. Tuy nhiên “trên quyết liệt, dưới thờ ơ” như ở Phù Lỗ khiến tình trạng đốt pháo vẫn diễn ra, gây bức xúc dư luận.