Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế chủ trì, làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) để thường xuyên công bố, đưa ra cảnh báo trong Chương trình Thời sự của Đài THVN về các loại sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo và pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo có nội dung phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về hệ thống thông tin an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và nhân dân.
Trước ngày 25/12/2019, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cung cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ các dữ liệu về các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm (như các trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt yêu cầu, danh sách các phòng kiểm nghiệm...) để cập nhật vào chuyên mục an toàn thực phẩm và bản đồ số thuộc hệ tri thức Việt số hóa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết dứt điểm việc thành lập các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nước mắm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước mắm.
Bộ Y tế nghiên cứu, đổi mới cách thức họp Ban Chỉ đạo, tăng cường họp trực tuyến.
Bảo Lâm (TH)/ĐTVN - CLVN