Tờ Vietnamnet thông tin, chiều nay, phiên tòa xét xử vụ AVG tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện VKS đưa ra quan điểm: Ở hành vi nhận hối lộ, các bị cáo phạm tội này tại CQĐT cũng như tại tòa đều thừa nhận và khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thậm chí có bị cáo còn từ chối luật sư bào chữa.
Để có sự phân hóa vai trò rõ rệt đối với từng bị cáo, khắc phục hậu quả là một trong những điều kiện quan trọng để xem xét đối với hành vi nhận hối lộ.
Việc khắc phục hậu quả đối với tội Nhận hối lộ trong vụ án này có thể nói là thành công lớn của CQĐT, VKSND Tối cao và của chính các bị cáo, cũng như sự đóng góp không nhỏ của các vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải và Trương Minh Tuấn trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố trong việc thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Phiên xử vụ AVG |
Xuất phát từ việc chủ động khai báo của các bị cáo và mong muốn sớm được nộp lại số tiền đã nhận của Phạm Nhật Vũ, quá trình điều tra, CQĐT và VKS đã thực hiện hết các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để số tiền nhận hối lộ của các bị cáo.
Chính thế mà bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Bản luận tội của đại diện VKS khi xem xét đề nghị hình phạt đã phân hóa rõ về vai trò, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của từng bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn dưới khung hình phạt mà VKS truy tố.
Việc phân hóa như vậy đều nhận được sự đồng thuận của chính các bị cáo và các luật sư. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến của một luật sư cho rằng, quá trình điều tra, CQĐT tra đã “bưng bít thông tin”, không thông báo lá thư bị cáo Nguyễn Bắc Son viết gửi vợ mà lại đưa vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc khó khăn cho bị cáo Nguyễn Bắc Son trong việc khắc phục hậu quả.
Theo đại diện VKS, thư bị cáo Nguyễn Bắc Son viết gửi vợ không phải là một bức thư tình, nó là một tài liệu chứng cứ của vụ án, do vậy phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục hậu quả, nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền. Ngày 14/3/2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son viết bản tự khai về hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ, sau đó viết thư gửi vợ là bà Lưu Thị Lý.
Trong thư viết: “Anh đã khai báo với CQĐT về việc, sau khi hợp đồng mua bán trên đã hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh 3 triệu USD… Số tiền này anh đã gửi Huyền (con gái ông Nguyễn Bắc Son) mang vào TP.HCM giữ cho anh. Anh không nói gì về nguồn gốc số tiền trên với Huyền và em. Em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp trả lại cho nhà nước”...
Đến ngày 20/3/2019, CQĐT đã mời chị Nguyễn Thị Thu Huyền đến làm việc để thông báo nội dung lá thư. Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn không nộp tiền khắc phục theo nguyện vọng của bị cáo.
Trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của bị cáo Nguyễn Bắc Son, ngày 2/8/2019, điều tra viên cho bị cáo Nguyễn Bắc Son được gặp vợ và con trai, có sự tham gia của kiểm sát viên và cán bộ quản giáo.
Tại buổi làm việc, bị cáo Nguyễn Bắc Son tiếp tục đề nghị gia đình giúp bị cáo khắc phục hậu quả số tiền 3 triệu USD và thông báo cho con gái biết việc này để nộp trả lại 3 triệu USD mà Huyền đã nhận từ bố.
Bà Lý đã có ý kiến: Bà đang có sổ tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng, là tiền cá nhân. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện, số tiền gửi tiết kiệm trên bà dùng để thuê luật sư bào chữa cho chồng.
Thậm chí, quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn đề nghị kê biên diện tích đất mang tên quyền sở hữu của bị cáo tại huyện Chương Mỹ, nhưng CQĐT và VKS thấy rằng, diện tích đất đó là do hương hỏa của cha ông để lại nên đã không tiến hành kê biên.
Như vậy, việc bị cáo Nguyễn Bắc Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ trong quá trình điều tra, truy tố, là do gia đình không hợp tác để nộp như nội dung bản cáo trạng đã nêu.
Luật sư cho rằng CQĐT “bưng bít thông tin” là không có căn cứ, gây hiểu lầm trong dư luận về tính đúng đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mặc dù các bị cáo phạm tội nhận hối lộ không có bất kỳ ý kiến tranh luận nào, về tội danh bị truy tố và bản luận tội của đại diện VKS, nhưng cũng còn có ý kiến băn khoăn của một số luật sư cho rằng: Lời khai của người đưa hối lộ có khách quan không? Có dấu hiệu của việc mớm cung không?
Về nội dung này, đại diện VKS đưa ra tranh luận: Đối với lời khai của bị cáo Phạm Nhật Vũ, tại CQĐT cũng như tại tòa, bị cáo Vũ khai nhận việc bị cáo đưa tiền cho 4 bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn là đúng.
Nhưng do thời gian đã lâu, bị cáo không nhớ chi tiết, nên đã chủ động đề nghị rất nhiều lần với CQĐT cho bị cáo xem một số tài liệu mà CQĐT đã thu thập và chứng minh.
Kết quả điều tra khẳng định, CQĐT không mớm cung mà thực hiện việc hỏi cung theo đúng quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra cũng như tại tòa, luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, điều tra viên không thực hiện việc hỏi và đáp, có dấu hiệu tẩy xóa lời của luật sư.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thấy, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã đọc lại biên bản và ký. Luật sư nói có tẩy xóa nhưng không có chứng cứ, và nhẽ ra luật sư có thể có ý kiến ngay lúc đó. Hơn nữa, việc tẩy xóa ý kiến của luật sư cũng không ảnh hưởng đến nội dung lời khai của bị cáo.
Vẫn theo đại diện VKS, bản cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng tội, đúng pháp luật. Mức án mà đại diện VKS đã đề nghị là đã đánh giá toàn diện, cân nhắc, phân hóa mức độ, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ tội của từng bị cáo. Mức án mà VKS đề nghị là phù hợp.
Trên báo Dân trí, Theo đại diện VKS, tại tòa, tất cả bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, riêng ông Nguyễn Bắc Son và 2 cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone là Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên thừa nhận tội danh nhưng không đồng tình với vai trò như cáo trạng quy kết.
Đối đáp với phần bào chữa của hai cựu Phó TGĐ, đại diện VKS cho rằng, căn cứ chức trách, nhiệm vụ của Phó TGĐ, các chứng cứ vật chất, lời khai và công đoạn bị cáo tham gia, VKS đã đánh giá, phân hóa vai trò, xem xét trách nhiệm, hoàn cảnh xảy ra phạm tội để đề xuất mức án tương ứng hành vi từng bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Bảo Long với tư cách Phó TGĐ, Tổ trưởng Tổ đánh giá về kỹ thuật chịu trách nhiệm tham mưu cho TGĐ về việc lập dự án. Tuy nhiên, bị cáo đánh giá dựa trên tài liệu tham khảo internet, chỉ kiểm tra thực tế tại 3 trạm và kiến nghị cho MobiFone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số cấp thí điểm cho AVG. Báo cáo đánh giá kỹ thuật của ông Long là căn cứ để Ban TGĐ lập báo cáo, lập quyển dự án trình HĐTV.
Đối với cựu Phó TGĐ Nguyễn Đăng Nguyên, VKS cho rằng, ông Nguyên không tham gia các tổ đánh giá nhưng tham gia 3 cuộc họp triển khai dự án, thống nhất giá mua cổ phần, ký báo cáo và quyển dự án để HĐTV làm căn cứ báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án.
Từ đó, đại diện VKS khẳng định, hai bị cáo Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên giữ vai trò rõ ràng chứ không phải mờ nhạt như ý kiến của luật sư.
Trên tờ Dân Việt, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: Tính đến thời điểm này gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp khắc phục số tiền 21 tỷ đồng. "Hội đồng xét xử thông báo thông tin đó cho bị cáo biết để yên tâm", thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
Nói cụ thể hơn, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thu cho biết: Trong chứng từ chuyển tiền anh Hưng (con rể ông Son) có nói nộp số tiền theo ý nguyện của ông Nguyễn Bắc Son. Ngoài tên anh Hưng, chủ tọa Xuân Thu còn nêu thêm tên một số người đã nộp tiền khắc phục cho ông Son.
Hoàng Phụng (TH)/ĐTVN