Tính đến 19 giờ 30 tối 1-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 2.994 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 87.670 ca nhiễm. Như vậy, so với trưa cùng ngày, số ca lây nhiễm tăng 678 người, số ca tử vong tăng 15 người.
Đến nay đã có 124 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục gồm 54 ca ở Iran, 20 ca ở Hàn Quốc, 12 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 29 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, hai ca ở Pháp, một ca ở Philippines, một ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan và một ca ở Úc.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 42.626 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 3.806 người so với trưa 1-3.
Chuyên gia y tế ở Viện Pasteur (Pháp) tham gia điều chế vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh chụp ngày 20-1) Ảnh: AFP |
Số ca nhiễm tại Đức tăng gấp đôi lên 117 ca
Viện kiểm soát dịch bệnh Robert Koch của Đức ngày 1-3 thông báo số ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã tăng từ 66 ca lên 117. Hơn một nửa số ca nhiễm ở bang Bắc Rhine-Westphalia, nơi đông dân nhất nước Đức, theo hãng tin AFP.
Một ủy ban khủng hoảng của chính phủ Đức đã mở rộng các hướng dẫn đi lại xuyên biên giới và hủy các sự kiện quốc tế lớn, trong khi Bộ Y tế khuyến cáo người dân có các triệu chứng cảm lạnh nên tránh đến các sự kiện đông người.
Được biết, Berlin đang chuẩn bị chương trình kích cầu kinh tế phòng trường hợp khẩn cấp. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho biết dự tính khởi động một chương trình viện trợ nếu cầu thiết. "Nếu một sự thúc đẩy như vậy là cần thiết, chúng tôi cũng có phương tiện để khởi động gói kích thích kinh tế", ông Scholz cho biết.
Theo Bộ trưởng Scholz, nguồn viện trợ khẩn cấp về y tế có thể rút từ ngân sách hiện tại. Ông Scholz nhấn mạnh: “Nếu có thêm bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào trong nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn khi thị trường và khu vực sản xuất trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, chúng tôi có đủ sức mạnh để phản ứng nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ”.
Pháp phát hiện ổ dịch khủng, số ca nhiễm vọt lên 104
Người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Pháp Jerome Salomon ngày 1-3 xác nhận nước này có 104 ca nhiễm virus COVID-19. Trong số những ca này, hai người đã tử vong, 12 người bình phục và 90 người vẫn đang được điều trị trong bệnh viện. Có tám người đang trong tình trạng nguy kịch, theo ông Salomon.
Giới chức Pháp cho hay số ca nhiễm COVID-19 tăng gần 43 so với lần công bố trước đó là do Pháp phát hiện một “ổ dịch” ở l'Oise với 36 người nhiễm. Ông Salomon nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là phải ngăn virus bùng phát, giảm sự lây lan và bảo vệ các khu vực có ít hoặc không có ca nhiễm bệnh”.
l'Oise, phía Bắc Pháp và khu vực phía Đông Nam Haute-Savoie là hai nơi có ổ dịch lớn nhất ở Pháp. Tại đây, toàn bộ các hoạt động tụ tập đều bị cấm. Cư dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển và làm việc tại nhà.
Pháp hôm 29-2 cũng ban hành lệnh cấm với các sự kiện có 5.000 người trở lên tham gia trong không gian kín hoặc “sự kiện không gian mở có sự tham gia từ những người từ các khu vực virus vẫn đang lây lan”. Pháp đã hủy sự kiện chạy marathon ở Paris dự kiến 40.000 người tham gia.
Thêm bác sĩ Trung Quốc qua đời vì lao lực chống dịch
Hoàn cầu thời báo ngày 1-3 đưa tin thêm hai bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán đã qua đời trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh bảo vệ sức khỏe cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Cụ thể, BS Tống Tiến Hạnh (32 tuổi) ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã qua đời hôm 28-2 sau khi làm việc liên tục 33 ngày. Hoàn Cầu thời báo nói BS Tống chết vì làm việc quá sức, nhưng không rõ anh có nhiễm COVID-19 hay không.