Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia: Hé lộ những mánh lới làm ăn tinh vi

TDVN 11:18 10/07/2020

Sau trùm T, nhóm phóng viên Báo NTNN/Dân Việt tiếp tục lần tìm để gặp gỡ một trùm khác, đó là một phụ nữ ngoại tứ tuần có khuôn mặt xinh đẹp, người gốc Thái Nguyên. T - tên của người phụ nữ này

Mỗi lần dồn 40 - 50 tỷ đồng để lấy hàng

Cuối tháng 12/2019, thông qua một mối quen biết, chúng tôi đã liên hệ với bà T "hổ", nói rằng đang cần cao hổ cốt xịn để phục vụ việc "ngoại giao" với sếp. Qua thời gian dài dò hỏi, tìm hiểu về chúng tôi, cuối cùng T "hổ" cũng chịu gặp mặt. T hẹn đến chỗ yên tĩnh ở trung tâm TP.Cao Bằng để bàn việc.

Khi gặp mặt, nghe xong mong muốn của chúng tôi, T nói: "Nếu chắc chắn nấu nguyên con, em sẽ "khiêng" luôn "ông hổ" về chỗ nào tiện nhất cho anh, có cả lãnh đạo anh đến xem luôn, quân của anh trông coi việc nấu cao 24/24 giờ luôn càng tốt".

T "hổ" mở màn cuộc trò chuyện bằng những lời có gang có thép của một bà trùm quyền thế trong giới buôn cao hổ. Chiếc ôtô đắt tiền của T sau đó đưa chúng tôi về tận khách sạn, chắc cũng có ý dò xét chúng tôi.

Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi vờ lưỡng lự về giá cả và chất lượng hổ, vì cho rằng đã tham khảo nhiều nơi nhưng giá cao, cách tính tiền cũng T nói ngay: "Mình tính tiền theo cân hơi (tức là cân hổ lên khi chưa giết mổ) chứ, quy ra cao cũng thế. Anh không phải lo. Em sẽ làm cho anh đàng hoàng. Phải mua đúng con hổ đực, loại hơi gầy, chứ em không lấy hàng hổ đem về từ Malaysia hay hàng châu Phi là toàn hàng bốc phét hết, làm gì có hổ "ngon". Mà em nói thật: Hàng này là hàng nuôi khoanh vùng (trong các khu kiểu safari, trang trại rộng lớn). Chứ hàng tự nhiên em không có, giờ  lấy đâu ra hổ 100% sống ngoài tự nhiên nữa".

T “hổ” trong cuộc trao đổi với nhóm phóng viên Báo NTNN (ảnh cắt từ clip).

T "hổ" còn khẳng định nếu nấu cao hổ thì chuẩn nhất là nấu hàng hổ đông lạnh. Tuy nhiên, chúng tôi giả đò muốn lấy hàng sống nguyên con. T khẳng định: "Cũng có, nhưng chủ yếu là hàng nuôi ở bên Lào, họ nuôi 70% là tự nhiên, 30% là họ ném thức ăn cho hổ ăn trong trang trại. Họ nuôi bán hoang dã. Em sẽ lấy cho anh hàng nguyên con còn sống. Các anh lên đến nơi mới chích điện giết hổ, giết xong mới làm thịt, thịt hổ để ăn, ngon lắm!"...

T vừa nói vừa chép miệng. Cái giọng của người phụ nữ từng trải, lại có nhan sắc và giàu có, đúng là khó ai cưỡng lại được.

Xương bánh chè của hổ, theo T đây là bộ phận khá quan trọng để nấu thành một nồi cao chất lượng.

Qua trò chuyện, theo lời T "hổ", số tiền mua hổ của T và đồng bọn, mỗi đợt lên đến hàng chục tỷ đồng. Có nhưng đợt mua cả trăm con. "Bởi "đến năm họ mới thu hoạch, khi đó kể cả một lúc nó bán 50 hoặc 100 con là bọn em phải lấy hết và "gửi" tại khu đấy để bắt đi bán dần. Có những lúc bọn em dồn đến 40 - 50 tỷ tiền hàng" - T nói.

"Chỗ nào cũng nấu cao hổ được"

T cũng cảnh báo chúng tôi hàng bây giờ đắt hơn, mua càng ít càng đắt, vì vừa rồi có đến 5 chủ hàng như T bị công an bắt liên tiếp. Hổ do T bán, theo quảng cáo, toàn là "hổ Đông Dương" nên đắt là đắt xắt ra miếng. "Chứ hàng nuôi có cho em cũng chẳng làm, mất uy tín" - T khẳng định.

Chúng tôi tỏ vẻ tin tưởng về mối làm ăn và hỏi thêm T về chuyện thanh toán tiền cũng như địa điểm nấu sao cho an toàn. T nói: "Vận chuyển là chuyện của bọn em chứ. Em đưa đến điểm an toàn, còn đến đó rồi nếu xảy ra "chuyện gì" các anh phải chịu trách nhiệm".

Được đà, T nói tiếp về các địa điểm nấu cao an toàn cho chúng tôi chọn hoặc chúng tôi tùy ý chọn địa điểm. "Em chỉ cuốn chiếu trong một đêm là xong hết. Anh chỉ việc ngồi chờ điện thoại của em thôi. 63 tỉnh thành ở Việt Nam này, chỗ nào em cũng nấu được, nói đến tên em thì ai cũng biết vì em làm tương đối uy tín đấy".

Buôn bán hổ trái phép là một thị trường phức tạp và luôn có yếu tố xuyên quốc gia. Theo điều tra riêng của nhóm phóng viên, đường dây của T hoạt động đã hơn chục năm qua. Do quá nhiều kinh nghiệm nên T luôn giữ nguyên tắc trong hoạt động để đảm bảo an toàn tối đa. T luôn cân nhắc việc "hạ hàng" (giết hổ hoặc giao hổ, xương hổ) ở một nơi an toàn, chỗ mà T và đồng bọn kiểm soát được toàn bộ. Thường là những nơi "nghe tên thì trọng yếu", hầu như ít có khả năng bị kiểm tra đột xuất trong mọi tình huống. Nguyên tắc của T "chân cột đèn là nơi tối nhất".

Hổ sống sẽ được T vận chuyển đến khu vực biên giới hoặc chuyển đến nơi mà khách yêu cầu, sau đó khi có mặt khách mua sẽ chích điện, giết thịt để nấu cao.

Ngoài ra, khi đem hàng đến nấu ở các địa điểm do khách hàng yêu cầu, lúc ấy "bọn em đã sạch xương hết rồi". T đã quá hiểu, khi cơ quan chức năng bắt giữ 1 vụ buôn hổ, thường là phải có đầu, có răng, có thịt, có da hổ để chứng minh đó đúng là hổ (nhóm 1B), mới có căn cứ để xử lý.

Gói kích cầu: Mua lại cho khách 1/4 số cao

T yêu cầu rõ ràng: "Nếu anh lấy hổ tươi thì phải thanh toán trước cho em 50% số tiền. Còn lại sau khi nấu xong xuôi thì thanh toán".

Em làm công khai. Làm để dùng, để làm quà biếu, không pha thêm phụ gia. Bọn em cũng thế, em lấy ¼ này là để đến tết các chỗ "cần giữ quan hệ làm ăn" thôi".

Bà trùm T

Ngoài việc nấu cao hổ, đưa hổ đến giết tại nhà cho "khách", T còn có thêm "dịch vụ" hỗ trợ người tham gia nấu cao bằng cách mua lại ¼ số cao nấu ra từ con hổ do T cung cấp. "Em luôn khuyên khách: Đã không làm (nấu cao) thì thôi, mà đã làm thì làm cả con từ 2,5 - 3 tạ, giá giờ rẻ nhất cũng tầm 1,65 tỷ đồng. Tất nhiên là hầu hết khách thích kiểm soát 100% từ con hổ sống đến nồi cao. Họ lại không đủ tiền hoặc không có nhu cầu lấy hết số cao đó. Vậy thì em sẽ hỗ trợ bằng cách mua lại cho khách ¼ số cao nấu được từ con hổ đó" - T cười nhẹ.

"Tốt nhất anh nấu cao tại chỗ của em đi. Em bao cho anh từ A tới Z. Mất em chịu, xảy ra cái gì "về luật pháp" cũng không liên quan tới anh, anh chỉ cho người lên trông nồi cao thôi. Nếu lên đến đây rơi vào tầm 5,5 triệu đồng/kg hổ hơi" - T nói, và nhấn mạnh: "Đây là em làm người thật việc thật, em không lấy lợi nhuận trong việc này mà làm bằng cái tâm của em, hàng làm ra phải chất lượng để người ta gọi mình lần này còn lần sau nữa".

T cho hay: "Bọn em chọn hổ phải có bí quyết. Hổ gần với tự nhiên móng vuốt và nanh của nó đặc; bánh chè, mắt phượng (lỗ tròn ở bánh chè, chỉ có hổ mới có hình này) đều có đủ, quân của em lọc thịt con hổ ra, anh cầm cái bánh chè quý nhất đem cất giữ rồi bỏ vào nồi cao". Theo T, nấu một nồi cao tiêu chuẩn là phải mất ít nhất 6 ngày, khách cầm chìa khóa nồi và có thể cho người canh gác 24/24 giờ...

Theo 24H

Link gốc : https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/xam-nhap-duong-day-buon-ban-ho-xuyen-quoc-gia-he-lo-nhung-manh-loi-lam-an-tinh-vi-c46a1164265.html

Bạn đang đọc bài viết Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia: Hé lộ những mánh lới làm ăn tinh vi tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua