Chính quyền bang Victoria , Australia phản ứng trước sự bùng phát dịch COVID-19. |
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 156.820 ca nhiễm mới và 3.263 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 3.027.666 ca nhiễm COVID-19, trong đó 132.845 ca tử vong vì dịch bệnh. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng ở các bang miền Nam hay bờ Tây như Florida, Arizona, California, Texas… Đại dịch cũng có xu hướng xấu đi ở các bang miền Trung Tây từng ghi nhận số ca nhiễm giảm như Iowa, Ohio và Michigan.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.492.800 người, với 193.989 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 11.601 ca nhiễm mới và 278 ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 687.862 ca mắc COVID-19 và 10.296 ca tử vong vì dịch bệnh. Tây Ban Nha, Anh, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với số ca nhiễm lần lượt với 298.869; 285.768; 241.819 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 44.236 trường hợp.
Châu Á, đã có tổng cộng 2.630.117 ca nhiễm và 63.217 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 50.665 ca mắc mới và 1.054 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 1.778.315 ca được điều trị khỏi; 788.585 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.505 ca bệnh nặng.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 6/7, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 22.510 ca mắc và 474 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 720.346 và 20.174 ca.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 6/7, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 243.051 người, sau khi có thêm 2.613 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 160 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 11.731 trường hợp.
Trung Quốc – nơi bùng phát đại dịch COVID-19 thông báo đã ghi nhận 4 ca nhiễm mới tại Trung Quốc, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong nước được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh. Không có trường hợp tử vong nào trong ngày 6/7. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 83.557 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 6/7, khu vực này ghi nhận thêm 3.498 ca mắc mới và 62 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc vì COVID-19 tại khu vực lên 153.199 người, trong đó 4.758 ca tử vong. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 95.267 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ có 2 quốc gia là Indonesia và Philippines ghi nhận có ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Hiện, Indonesia vẫn đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 với 64.958 ca nhiễm và 3.241 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 6/7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 1.209 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng thêm 2.079 ca, lên 46.333 ca. Trong khi đó, số ca tử vong trên toàn Philippines đã tăng thêm 6 ca lên 1.303 ca.
Hiện Việt Nam, Campuchia, Lào và Timor-Leste vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 7/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 82 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 51.923 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 3.540.647 ca, tổng số người tử vong là 175.941 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 1.590.663 trường hợp, trong khi đó 1.774.043 ca đang được điều trị tích cực và 19.164 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 256.848 ca nhiễm và 30.639 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 105.764 ca nhiễm và 8.687 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng 2.543.842 ca nhiễm, 94.793 ca tử vong, 1.566.606 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 2 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có tổng cộng 1.623.284 ca nhiễm, trong đó 65.487 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 305.703 ca nhiễm và 10.772 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Chile với 298.557 ca nhiễm và 6.384 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 492.629 ca mắc COVID-19, trong đó 11.639 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 205.721 trường hợp, trong đó 3.310 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 3.422 ca. Nước này cũng ghi nhận có 76.222 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand và Fiji là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 137 trường hợp mắc mới và 2 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 8.586 ca, trong đó số ca tử vong là 106 trường hợp. Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này. Thủ hiến bang Victoria của Australia, ông Daniel Andrews thông báo ranh giới giữa bang này và bang New South Wales sẽ đóng vô thời hạn từ ngày 7/7, sau một đợt bùng phát mới của COVID-19 ở bang Victoria. Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên sau 100 năm ranh giới giữa hai bang đông dân nhất Australia này đóng cửa.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.534 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới COVID-19. Cũng tương tự, Fiji ghi nhận có thêm 1 ca mắc mới vì COVID-19 trong ngày 6/7, nâng tổng số ca mắc virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này lên 19 trường hợp./.
Theo ĐCS