Không để 'bong bóng', 'thành phố ma'
Ngày 22/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng và ngành Xây dựng Thủ đô về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Tại hội nghị, Bí Thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý, Sở Xây dựng Hà Nội cần chú ý đến vấn đề thị trường bất động sản, đảm bảo điều hoà thị trường, cân đối cung cầu, lưu thông dòng tiền, không để xảy ra tình trạng "bong bóng" hay "thành phố ma" trong thị trường bất động sản.
Báo cáo tại hội ngị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã hoàn thành chỉ tiêu theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020; đã trình UBND thành phố chủ trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở 2021-2025. Đến tháng 12/2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8 m2/người, vượt sớm mục tiêu đến năm 2020 (26,3 m2/người).
Trong năm 2020, hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281 m2 sàn tương ứng với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944 m2 sàn, 53.644 căn hộ; 05 dự án nhà ở tái định cư, tương ứng 154.270 m2 sàn, 1.723 căn hộ. Đã tham mưu cho Thành phố bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư 2.876 căn hộ, thu hồi 2.474 căn hộ.
Tuy nhiên hiện nay có hơn 20.000 m2 tầng 1 thuộc 11 nhà tái định cư đang bỏ trống, theo Giám đốc Sở Xây dựng trước đây đã tổ chức đấu thầu nhưng đơn giá khởi điểm cao nên chỉ có 1 đơn vị trúng thầu. Về việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị không bỏ trống lãng phí tài sản công, cần xem xét giá thuê phù hợp đối với phần diện tích tầng 1 thuộc 11 nhà tái định cư đang bỏ trống.
Đất vùng ven Hà Nội tăng ảo
Tại báo cáo mới công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, 9 tháng qua, do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc… Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành Quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị…
Thị trường bất động sản tại Hà Nội xuất hiện nghịch lý khi giá đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng /m2... Trong ảnh: "Chợ bất động sản" nhộn nhịp xuất hiện giữa mùa dịch ở xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) sau khi các nhà đầu tư nghe thông tin một tập đoàn lớn đề xuất xây 2 khu đô thị “khủng” ở khu vực này.
Cũng với đó, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn. Nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu /m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu /m2.
"Giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng /m2", báo cáo Hội Môi giới nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, bất kỳ thị trường nào có thông tin tích cực khiến nhà đầu tư kỳ vọng thì đều xảy ra hiện tượng lên giá. “Khi nghe tin chuẩn bị có dự án lớn đầu tư, thị trường khu vực đó cũng dễ xảy ra hiện tượng ăn theo rồi đẩy giá. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu đó chỉ thông tin và cứ dậm chân tại chỗ thì đất có tăng ảo rồi cũng sẽ trở về giá trị của chúng”, ông Đính nhận định
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, bất kỳ thị trường nào có thông tin tích cực khiến nhà đầu tư kỳ vọng thì đều xảy ra hiện tượng lên giá. “Khi nghe tin chuẩn bị có dự án lớn đầu tư, thị trường khu vực đó cũng dễ xảy ra hiện tượng ăn theo rồi đẩy giá. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu đó chỉ thông tin và cứ dậm chân tại chỗ thì đất có tăng ảo rồi cũng sẽ trở về giá trị của chúng”, ông Đính nhận định
Theo ông Đính cũng cho rằng, có hiện tượng đầu cơ lướt sóng, giá tăng nhưng do một số hiện tượng “làm giá”, chiêu trò cò mồi tại một số khu vực như Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh…