Ngày 25/8, Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP HCM) đã trao đổi với báo chí về thông tin cho rằng ông có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus). Theo đó, ông Phạm Phú Quốc cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh. Vị ĐBQH phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ 2.
Ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ông cũng đã nắm thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc trả lời trên báo thừa nhận có quốc tịch Síp. "Nhưng về mặt thủ tục chúng tôi vẫn tiến hành xác minh đầy đủ theo quy trình. Sẽ yêu cầu ĐBQH báo cáo, Đoàn ĐBQH báo cáo và cơ quan chức năng xác minh. Sau khi có thông tin đầy đủ chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này quyết định", ông Túy nói.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết thêm, vào ngày hôm nay (26/8) sẽ có ý kiến với Đoàn ĐBQH TP HCM về việc này.
Cũng trao đổi về vấn đề một ĐBQH có thể có 2 quốc tịch hay không, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Luật tổ chức Quốc hội hiện hành chưa quy định rõ ràng vấn đề liên quan đến quốc tịch của ĐBQH. Chính vì thế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV) đã bổ sung.
Cụ thể, về tiêu chuẩn của ĐBQH, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng vi phạm trong quá trình bầu cử ĐBQH như nhiệm kỳ khóa XIV, Luật đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH. Theo đó ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luât sẽ có hiệu lực từ năm 2021.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968 tại Quảng Trị và có quãng thời gian học tập kéo dài 5 năm tại Đại học Thủy sản Nha Trang, Khánh Hòa.
Trước khi về Tổng công ty Bến Thành (Bến Thành Group), ông Quốc đã có 3 năm làm việc bên ngành du lịch từ năm 1994 - 1997. Ông từng là trưởng Phòng Tiếp thị điều hành du lịch tại Công ty Phát triển Đầu tư và trưởng Phòng Điều hành tour Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist thuộc Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ Quận 1.
Từ năm 1998, ông làm trưởng Phòng Điều hành tour Công ty Thương mại dịch vụ Di lịch Tân Định Fiditourist thuộc Tổng công ty Bến Thành.
Sau 2 năm, ông được thăng lên vị trí thư kí hội đồng quản trị kiêm thư ký tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành.
Qua hơn 15 năm gắn bó với Bến Thành, cả ở cương vị lãnh đạo các đơn vị thành viên cũng các phòng chuyên trách, ông Quốc đã có những đóng góp quan trọng làm nên sự thành công của tổng công ty.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng công ty Bến Thành năm 2014 cho thấy doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 13.000 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch. Các đơn vị thành viên tiếp tục có sức tăng trưởng mạnh và giữ vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn.
Sự thành công của ông Quốc ở Tổng công ty Bến Thành là một lá phiếu tín nhiệm cao để đến tháng 9/2015, UBND TP. HCM quyết định bổ nhiệm ông giữ nhiệm vụ thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) với thời hạn 5 năm.
Môt năm sau đó, ông Phạm Phú Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở đơn vị bầu cử số 4 TP. HCM, gồm quận 5, quận 10 và quận 11 với tỷ lệ 53,94%, khi ông đang là tổng giám đốc HFIC.
Tới ngày 18/1/2018, ông Quốc tiếp tục được điều chuyển công tác, giữ chức phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM (HIDS).
Cuối năm 2019, ông lại được điều động, bổ nhiệm giữ chức thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Quyết định được UBND TP. HCM ban hành sau hơn nửa năm ông Tề Trí Dũng, cựu tổng giám đốc Công ty IPC, bị khởi tổ, bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.