Ngày 14-12, Báo Người Lao Động và Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Sparkling đã phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội". Doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia nhìn nhận, tình trạng bôi xấu, trục lợi, vu khống, mạo danh… trên mạng xã hội (MXH) không còn cá biệt mà đang trở thành vấn đề lớn, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
"Bốc hơi" hơn 8.000 tỉ đồng chỉ sau 2 ngày
Nhiều DN nhìn nhận việc bị công kích trên MXH, từ bôi xấu, vu khống, mạo danh… ảnh hưởng rất lớn đến uy tín lẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi DN phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mới xây dựng nên thương hiệu. Dù sau đó, vụ việc có được đính chính hay minh oan thì tổn thương uy tín, thương hiệu phải mất rất lâu để hồi phục. Dẫn trường hợp về nạn nhân của thông tin sai sự thật, vu khống, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết mới đây trên MXH xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt về hoạt động nhập khẩu nguyên liệu của một DN sữa lớn trong nước. Ngay sau đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của DN này giảm sâu và "bốc hơi" khoảng 8.400 tỉ đồng giá trị vốn hóa chỉ sau 2 ngày.
Chỉ một thông tin thất thiệt mà khiến DN bị thiệt hại khôn lường. "Đây là DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, thiệt hại về góc độ giá trị cổ phiếu là nhìn thấy được. Nhưng rất nhiều DN khác chưa niêm yết, DN nhỏ và vừa bị tổn thất từ tình trạng bôi nhọ, vu khống, nói xấu, thông tin sai sự thật… là không đo đếm hết được, chưa kể thiệt hại về thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng" - bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mebipha, nhìn nhận. DN Mebipha cũng từng là nạn nhân của tình trạng này.
Bà Lâm Thúy Ái băn khoăn, làm sao để bảo vệ DN, thương hiệu khỏi những thông tin xấu, tránh bị bôi xấu, vu khống trên MXH là bài toán không dễ. Như trường hợp của Mebipha, sau khi gặp sự cố và khiếu nại với Facebook không hiệu quả, DN này phải nhờ tới cơ quan công an hỗ trợ nhưng cũng không thể xử lý triệt để. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), kể hệ thống siêu thị Saigon Co.op có trang fanpage trên Facebook chuyên về tuyển dụng nhân sự. Một lần, có đối tượng lập trang mạo danh tương tự trên Facebook rồi rao tuyển dụng, thu phí ứng viên để lừa đảo.
Ngay khi biết thông tin, Saigon Co.op đã lập tức xử lý, đồng thời hỗ trợ những ứng viên tuyển dụng bị lừa. Nhưng thực tế là nhiều người đã bị mất tiền. Theo các DN, trên MXH, tin giả, tin xấu và thông tin bôi nhọ, mạo danh DN xuất hiện ngày càng nhiều. Tin tốt lan nhanh và tin xấu cũng lan truyền chóng mặt, khiến nhiều DN đau đầu ứng phó.
Nhớ lại tình huống khủng hoảng DN phải đối mặt sau khi bị tung tin sai sự thật, bêu xấu, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc Công ty CP Khơ Thị Skincare & Clinic, vẫn thấy giật mình. Khoảng 1 năm rưỡi trước, khi vừa thức dậy và xem tin tức, bà Hoài bất ngờ trước hàng loạt thông tin sai sự thật về hoạt động của DN, những thông tin này được lan truyền trên các trang mạng khiến bà chóng mặt. "May mắn là tôi được bạn bè, đồng nghiệp tư vấn để xử lý khủng hoảng, truyền thông nhưng phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc; tổn thất về tinh thần và thương hiệu công ty; thuê luật sư tư vấn và giải quyết khủng hoảng; dùng trang cá nhân trên Facebook để nói lại cho rõ… DN chúng tôi nhờ có đầy đủ giấy tờ chứng minh mình không sai, nên mới trụ vững và vượt qua" - bà Hoài nói.
Không để doanh nghiệp đơn độc đi kiện
Theo các chuyên gia, tình trạng bôi xấu, vu khống, mạo danh… trên MXH để trục lợi, thậm chí lừa đảo xảy ra không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các nước. Ông Winson Tang, Giám đốc vùng tại Singapore, Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Sparkling, cho biết tháng 11 năm ngoái, một cặp đôi ở New Jersey (Mỹ) và người đàn ông vô gia cư đã bị kết tội lừa đảo.
Ba đối tượng này bịa ra một câu chuyện truyền cảm hứng về một người vô gia cư và tổ chức cuộc quyên góp trên MXH. Có hơn 400.000 USD đã được quyên góp từ cộng đồng mạng cho nhân vật không có thật. "Mục đích của những thông tin sai lệch chủ yếu nhằm lừa đảo"- ông Winson Tang nhận xét. Hay như trường hợp năm ngoái ở Singapore, khách hàng của hãng hàng không Singapore Airlines nhận được thông tin về việc hãng phát vé miễn phí. Thực chất đây là thông tin lừa đảo, nhưng kết quả là kẻ gian thu thập được rất nhiều thông tin cá nhân, mật khẩu, thẻ tín dụng, tài khoản cá nhân của khách hàng… Trước tình trạng xảy ra ngày càng phổ biến của nạn bôi nhọ, nói xấu, vu khống DN và cá nhân trên MXH, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP HCM, cho biết cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm vấn đề này.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có người dùng MXH nhiều nhất thế giới, riêng khu vực Đông Nam Á có 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 62 triệu người Việt dùng MXH như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram… Trong đó, TP HCM có khoảng 14 triệu tài khoản MXH. Đáng lưu ý, gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM thường xuyên nhận nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân, DN liên quan đến hoạt động thẩm mỹ, phòng khám tư nhân, giao dịch bất động sản và các tranh chấp dân sự khác.
-- |
"Nhiều người gặp chuyện thường gửi đơn tố cáo đến công an, nhưng sau đó đơn thư lại chuyển về sở do cơ quan công an không giải quyết tranh chấp dân sự. Có tín hiệu tích cực là gần đây, nhận thức bắt đầu thay đổi khi DN và cá nhân không thỏa thuận, không đàm phán chấp nhận thông tin xấu, mà họ làm việc với cơ quan quản lý yêu cầu xử lý khi bị vu khống, bôi xấu" - ông Từ Lương nhận định. Theo ông Lê Quang Tự Do, con số hơn 62 triệu người dùng MXH tại Việt Nam phản ánh người Việt "nghiện" MXH và đặt ra bài toán khó cho cơ quan quản lý. Trước thực trạng ngày càng nhiều DN bị bêu xấu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thương hiệu, uy tín khiến cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm, có giải pháp xử lý.
"Sắp tới, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa DN, cơ quan quản lý và DN nước ngoài sở hữu MXH để xử lý nhanh trong trường hợp xuất hiện thông tin sai sự thật, tin giả, bôi xấu DN. Một số quy định mới về tin giả và ảnh hưởng đến DN cũng đang được nghiên cứu ban hành để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN trong "cuộc chiến" với tệ nạn này, không để DN đơn độc đi kiện" - ông Lê Quang Tự Do khẳng định.
Đề cao văn hóa ứng xử để ngăn chặn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhìn nhận MXH là môi trường thuận lợi để mọi người có thể tương tác, tâm sự, chia sẻ, thể hiện quan điểm của mình. Với DN, MXH cũng tạo những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, truyền thông, tiếp thị cho thương hiệu và sản phẩm của mình… Và một trong những đặc trưng của MXH là đan xen 2 mặt tốt và xấu, đối với DN, khi bị vu khống, trục lợi trên MXH thì hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do đó, cần nhận diện, phê phán tệ nạn vu khống, trục lợi trên MXH nhằm vào đối tượng DN; đồng thời đề cao văn hóa ứng xử và tìm giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này.
Nói sai sự thật để trục lợi
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết một xu hướng đáng lưu ý hiện nay là việc cá nhân, DN cố tình thông tin sai sự thật về mình, quảng cáo không đúng, khiến khách hàng tin tưởng, mua hàng xong mới biết bị lừa.
Một đặc thù của ngành bất động sản là giá trị tài sản lớn, nên khi DN bị mạo danh, trục lợi thì ảnh hưởng không nhỏ đến DN và cả người tiêu dùng (người mua phải dự án nhà đất lừa đảo, dự án ma…). Chẳng hạn, việc các DN tự gắn mác, tự khoe khoang, nói quá về mình trên MXH để dụ dỗ khách hàng cũng nên xem là vu khống nhằm trục lợi.
Chi tiết trên Báo Người Lao động
Tác giả: Thái Phương