Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng, nếu hàng 'rởm' xin lỗi là xong?

vov 06:32 12/11/2022

Người nổi tiếng hay bất kỳ ai khi làm nhiệm vụ quảng cáo thực phẩm chức năng hay bất kỳ sản phẩm nào, đều cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó, tránh việc nói quá tác dụng, gây những nhầm lẫn, hiểu sai của

Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh được quảng cáo là chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng. Khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy, nghệ sĩ chỉ xin lỗi là xong.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM; Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội đông y TP.HCM đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM).

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM).

PV: Quốc hội đang thảo luận về Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), theo bà cần sửa đổi thế nào để Luật đi vào thực chất, bảo vệ được người tiêu dùng?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Về Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tôi thấy quãng đường để người dân, người tiêu dùng thực hiện được quyền của mình, ở đây là quyền khiếu nại trong trường hợp dịch vụ, sản phẩm không như cam kết vẫn rất phức tạp. Bên cạnh đó, quy định chưa làm rõ được vai trò của hội bảo vệ người tiêu dùng, nên để Luật đi vào thực tế vẫn rất khó.

Thứ hai, quy định mới đề cập nhiều đến trách nhiệm của người dân phải tự bảo vệ mình, trách nhiệm của doanh nghiệp đền bù, bồi thường thế nào, nhưng còn đề cập rất sơ sài tới vai trò của chủ thể Nhà nước. Khi người dân sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm xuất phát từ doanh nghiệp - hoạt động thương mại được cấp phép của Nhà nước thì phải được bảo hộ bởi Nhà nước, không chỉ đơn thuần giống như mua tự do ở đâu đó.

Đơn cử, đối với trường hợp sử dụng thuốc giả trước đây, bên cạnh việc xử lý cán bộ Nhà nước cũng như doanh nghiệp sai phạm thì khi người dân đã sử dụng thuốc này ai là người đền bù, bồi thường? Trong khi những loại thuốc này được cấp phép hợp pháp. Luật cần bổ sung quy định để thấy rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó cũng là cách gián tiếp để người dân, doanh nghiệp sống và làm việc theo pháp luật.

PV: Hiện nay nhiều người nổi tiếng quảng cáo những sản phẩm chức năng trong khi chưa được thẩm định rõ về hiệu quả, tác dụng, theo bà cần có những quy định ra sao về vấn đề này?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Điều này liên quan đến luật quảng cáo, người nổi tiếng hay bất kỳ ai khi làm nhiệm vụ quảng cáo thực phẩm chức năng hay sản phẩm nào, nếu là một người tôn trọng pháp luật và tôn trọng bản thân mình, thì đều cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó, tránh việc nói quá tác dụng, gây những nhầm lẫn, hiểu sai của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mong chờ ở những tác dụng nào đó mới bỏ tiền ra mua, nhưng kết quả lại không được như vậy, nếu nói đơn giản thì chính là lừa đảo. Nếu là người tôn trọng pháp luật, người nổi tiếng cần cân nhắc kỹ khi quảng cáo các sản phẩm vì có thể ảnh hưởng đến những người khác.

Việc nở rộ hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng thông qua người nổi tiếng thời gian qua một phần do sự thiếu ý thức. Để khắc phục tình trạng này, một mặt cần kêu gọi từ chính lương tâm của những người nổi tiếng tham gia quảng cáo, nhưng hơn hết rất cần các chế tài xử lý nghiêm, nội dung này cần được quy định rõ trong Luật Quảng cáo.

PV: Tại các cuộc thảo luận ở Quốc hội có ý kiến đại biểu cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều phương pháp làm đẹp được quảng cáo rầm rộ, nhưng hiệu quả thực sự vẫn chưa được khoa học công nhận, trong khi giá thành các dịch vụ này có thể lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, bà có lời khuyên nào với người tiêu dùng?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Vì lợi nhuận nên có những người làm bất chấp. Một số người rất tự tin, nhiều khi sản phẩm tác dụng chỉ 1 thôi nhưng có thể nói lên tới 9, 10. Bên cạnh đó cũng có những người tiêu dùng quá chủ quan, tin vào những lời quảng cáo.

Tôi cho rằng, từ phía người phát ngôn, doanh nghiệp, bác sĩ điều trị phải hết sức thận trọng trong phát ngôn, phát biểu và nhận thức liệu đã tìm hiểu hết về phương pháp, loại thuốc đó chưa, có đủ cơ sở đánh giá chưa. Chúng ta không thể tự nhiên khen hay chê một sản phẩm nào, bởi tất cả điều này đòi hỏi phải có căn cứ về khoa học.

Đối với người tiêu dùng cũng phải tập thói quen cần hết sức thận trọng, đừng tin hết những lời có cánh, thường những gì hào nhoáng bên ngoài, được quảng cáo quá đà, thì hiệu quả lại không như thực tế. Bởi nếu thực tế hiệu quả, có đầy đủ căn cứ khoa học và có tác dụng tốt như vậy thì tự nó đã rất phổ biến. Không phải tự nhiên chúng ta đặt ra những quy định về thẩm định để công nhận hay không công nhận phương pháp điều trị nào đó. Bên cạnh tác dụng cần phải nghiên cứu thấu đáo đến độc tính, tác dụng phụ. Nếu dễ dàng tin vào những lời quảng cáo, có thể sẽ bị tiền mất tật mang, thậm chí phải trả giá đắt.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Bạn đang đọc bài viết Người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng, nếu hàng 'rởm' xin lỗi là xong? tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay