Tại buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP.HCM nhắc lại vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm của nhãn hàng pate Minh Chay và cho rằng vệ sinh an toàn thực phẩm với người tiêu dùng vẫn là vấn đề rất bức xúc. Theo bà, dự luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định "dùng mọi giải pháp để thu hồi nhanh nhất những sản phẩm bị lỗi, có tác động lớn đến sức khoẻ cộng đồng". "Đừng để xảy ra tình trạng đi thẳng từ bàn ăn đến bệnh viện", bà nói.
Một đại biểu khác - bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, việc xử lý vụ việc thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước "chưa thoả đáng khi những người dân đã sử dụng thuốc không được đền bù thiệt hại". Thậm chí, một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc này đã được cấp phép, chứng nhận.
Từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Phong Lan nhìn nhận, vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online, kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng, đặc biệt là với thực phẩm. Tuy nhiên dự thảo luật này chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh.
"Luật này cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép - bước đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng, cho tới kiểm tra, giám sát, xử lý", bà Phong Lan góp ý.
Ảnh minh hoạ
Tại tổ Hà Nội, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng khái niệm người tiêu dùng trong luật chưa rõ, chưa phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. "Khi không xác định đúng quyền lợi người tiêu dùng thì làm sao mà bảo vệ được họ", ông Hà nói.
Ông dẫn chứng, những loại hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được. Tuy nhiên, quy định đang đẩy trách nhiệm về việc bảo vệ quyền lợi sang chính người tiêu dùng.
"Quy định pháp luật phải lường trước và giải quyết vướng mắc để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng. Quy định còn chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng và thống nhất", ông Hà nói.
Trong khi đó, theo Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, trong quan hệ mua bán người tiêu dùng được xem như thượng đế, nhưng sau khi mua hàng lại thành "nô lệ". Việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục những vấn đề bất cập trong luật hiện hành. Đơn cử, khi mua phải hàng lỗi hay có vấn đề về chất lượng, nhiều người dân ngại và không khiếu nại, khiến những vụ khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng rất ít xảy ra.
"Nhận thức của chúng ta về quyền lợi người tiêu dùng là quá nhỏ trong đòi quyền lợi, nên không thực hiện những quyền mà luật cho phép. Nếu điều này cứ tiếp diễn sẽ gây hại cho cả xã hội một cách nghiêm trọng", ông nêu vấn đề.
Đại biểu này cũng lý giải có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Thực tế này dẫn tới có tâm lý là người tiêu dùng nhận thấy công sức bỏ ra để đi đòi khiếu nại là không tương xứng. Trong khi các chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe để họ cảm thấy thỏa mãn. "Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa tốt, nên chỉ làm hại cho người tiêu dùng", ông nói.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp phù hợp với môi trường kinh doanh và tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số. Bổ sung thêm quy định mới về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó, đưa ra các nguyên tắc hợp tác, phạm vi hợp tác giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng để chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình. Cách xác định này giúp cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh tranh cãi, sự không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể. Bên cạnh đó, cách giải thích này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến các cá nhân mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức, vốn có đầy đủ khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả khác như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về thương mại. |