Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra gay gắt

TDVN 09:09 03/03/2020

Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3. Trong trường hợp cực đoan, tình hình này kéo dài sẽ khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài và trầm trọng hơn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3 nhất là trong đợt từ ngày 11 đến 15-3 (ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2 và cùng kỳ tháng 3-2016), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, sau đó giảm dần đến cuối tháng 3; trên các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập, sẽ khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Hạn hán kéo dài khiến kênh, rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khô hạn.

(Ảnh: HỮU TÙNG)

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, bảo đảm mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao. Chưa tổ chức xuống giống lúa vụ hè thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...

Theo thống kê, hạn, mặn đã làm hơn 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc và nhiều hộ dân ở hai huyện Cần Đước, Tân Trụ (tỉnh Long An) thiếu nước ngọt sinh hoạt. Để giúp người dân giảm bớt khó khăn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đã điều xe bồn chở khoảng 30 m3 nước từ nhà máy nước ở TP Tân An, tỉnh Long An về cấp miễn phí cho nhiều hộ dân.

Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ khuyến cáo: Từ nay đến ngày 5-3, do ảnh hưởng của kỳ triều cường thấp, các địa phương vùng ĐBSCL cần tranh thủ tích trữ nước ngọt. Trong đợt cao điểm từ ngày 6 đến 15, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Trước ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhiều nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang thuê ghe gỗ, sà-lan... chở nước ngọt về phun, tưới khiến giá mua nước ngọt tăng cao. Hiện, giá nước ngọt tưới cây tại nhiều nhà vườn ở hai tỉnh này đang có giá từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/m3.

Hơn hai tuần nay, nhiều diện tích tôm càng xanh vùng nước lợ tại các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại do nước mặn tăng cao, xâm nhập vào ao nuôi. Ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân nuôi tôm càng xanh, nhất là vùng nước lợ cần đóng cống ao nuôi, sử dụng nguồn nước ngọt bơm chuyền vào ao để hạ độ mặn cứu tôm. Ngoài ra, riêng đối với những ao nuôi bị thiệt hại hơn 50% sản lượng, cần thu hoạch dứt điểm chờ mưa tái vụ để tránh tôm chết làm ô nhiễm môi trường nước.

Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 2.000 ha trồng sầu riêng, tập trung ở huyện Châu Thành và Chợ Lách. Hiện nay, do ảnh hưởng của hạn mặn, nhiều vườn sầu riêng ở các xã Phú Đức, Phú Túc và Tiên Long (huyện Châu Thành) bị rụng lá, rụng quả. Trước thực trạng trên, huyện Châu Thành đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc cây sầu riêng vượt qua thời kỳ hạn mặn.

Sáng 2-3, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đi khảo sát thực tế vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đường giao thông và sụt lún đê biển Tây... Tỉnh có phương án đào một con kênh trữ nước khác nằm cặp dự án tái định cư đê biển Tây, sau đó lấy đất từ kênh để lấp đầy con kênh nằm dọc theo chiều dài công trình lộ trên đê biển Tây, đoạn Đá Bạc đến cống Kênh mới. Trường hợp không đủ đất, sẽ bơm một lượng bùn bổ sung để lấp đầy kênh, tạo phản áp giảm thiểu sụt lún phá vỡ kết cấu công trình...

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hội tụ gió lên đến 5.000 m, cho nên sáng nay (3-3), ở Tây Bắc và Việt Bắc có mưa rào và dông. Từ chiều tối và đêm mai, do kết hợp với không khí lạnh cho nên mưa dông mở rộng ra toàn bộ Bắc Bộ, riêng khu vực Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ trưa 4-3 ở Bắc Trung Bộ có mưa dông, sau đó mưa mở rộng xuống Trung Trung Bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 4-3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15 - 18oC, vùng núi có nơi dưới 13oC.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, từ ngày 29-2, đàn vịt 45 ngày tuổi của gia đình ông Trương Văn Diện, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân có biểu hiện bệnh, ốm chết lẻ tẻ. Sau đó, cơ quan thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, kết quả dương tính với vi-rút cúm A (H5N6). Ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ 770 con vịt của hộ chăn nuôi, lập chốt kiểm dịch, tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chung quanh.

Theo Báo Nhân dân

Link gốc : https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43465202-xam-nhap-man-o-dong-bang-song-cuu-long-se-dien-ra-gay-gat.html

Bạn đang đọc bài viết Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra gay gắt tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay