Hôm 19/4, người đứng đầu Tổ Chức Y Tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng ta có các công cụ để kiểm soát đại dịch này trong những tháng tới, nếu chúng ta áp dụng chúng một cách nhất quán và công bằng”.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về "tỷ lệ đáng báo động" về số ca mắc COVID-19 ở những người trong độ tuổi 25-59 trên toàn thế giới, nhận định điều này có thể do các biến thể mới dễ lây lan hơn.
"Mất 9 tháng mới chạm mốc một triệu người chết; 4 tháng ở mốc 2 triệu và chỉ 3 tháng để ghi nhận 3 triệu người chết", Tổng giám đốc WHO cho hay.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters) |
Nhà dịch tễ học hàng đầu của WHO, Maria van Kerkhove, cho rằng sự gia tăng mới nhất của các trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới bao gồm ở các nhóm tuổi trước đây ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp của WHO khuyến cáo rằng không cần áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine như một điều kiện đi lại quốc tế, qua đó duy trì lập trường của WHO về vấn đề đang ngày càng gây tranh cãi này.
Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp hôm 15/4 vừa qua, để củng cố lập trường của mình, các chuyên gia độc lập viện dẫn rằng có ít bằng chứng về việc liệu tiêm vaccine phòng COVID-19 có làm giảm khả năng lây nhiễm virus của con người hay không, cũng như "tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong hoạt động phân phối vaccine toàn cầu."
Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho rằng các nước nên thừa nhận rằng việc yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng làm sâu sắc thêm sự bất công và thúc đẩy quyền tự do đi lại bất bình đẳng.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 2 giờ sáng 20/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 142.527.267 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3.039.056 ca tử vong do COVID-19. Số ca được điều trị khỏi là 121.173.421 ca.
Theo tài chính doanh nghiệp