Theo BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, khi bị cảm cúm hay cúm A, việc bổ sung vitamin C rất cần thiết. Các loại trái cây giàu vitamin C như: Khế, lê, nho, trái cây họ cam quýt, dưa hấu, nho… rất tốt cho cơ thể để đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh.
Trái cây có múi: cam, chanh, bưởi, quýt
Các loại trái cây có múi như cam, chanh, bưởi, quýt chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều trị cảm và ho rất hiệu quả. Các loại trái cây có múi giàu vitamin B, vitamin C, các khoáng chất như kali, chất xơ, carbohydrate rất cần thiết cho người nhiễm cúm, giúp tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống chọi trước sự tấn công của virus. Mặt khác, ăn hoặc uống nước ép các loại trái cây có múi giúp cơ thể người bệnh được bù nước nhanh chóng. Trái cây lại có mùi vị thơm, ngon giúp giảm các cơn đau, rát họng.
Ở những người mắc cúm có triệu chứng ho kéo dài gây tổn thương phổi, đau tức ngực, ăn trái cây có múi có thể hỗ trợ làm dịu phổi; giảm ho, giảm đau họng hiệu quả với nước cam hoặc chanh pha mật ong.
Quả lê
Lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm, nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng... Trong quả lê chứa protein, lipid, cenlulose, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường gluco, axit acetic... Việc ăn lê thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, ù tai), lao phổi, viêm phế quản cấp tính.
Bài thuốc: Lê tươi một quả, xuyên bối mẫu 3 g. Quả lê cắt phần đầu cuống thành cái nắp, bỏ ruột, cho xuyên bối mẫu vào đậy nắp lại, cắm tăm tre cho chặt nắp, đựng vào bát, đem hấp cách thủy 1-2 giờ. Vừa uống nước, vừa ăn thịt lê, mỗi ngày một lần, giúp chữa ho và cảm mạo. Lê có tính hàn nên người bị đau bụng, đi tiêu lỏng không nên dùng. Không ăn lê bị dập nát để tránh mắc bệnh đường ruột.
Quả dứa
Trong 100g quả dứa (hay khóm, quả thơm) có chứa 16mg Ca, 11mg Phospho, 0,3mg Fe, 0,07mg Cu, 0,4g protein, 0,2g lipid, 13,7g hydrat cacbon, 85,3g nước, 0,4g xơ.0,03mg carotene, 0,08mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 16mg vitamin C. Dứa tươi có tính kháng khuẩn, kháng virus cảm cúm, bôi trơn nhu động ruột, thanh lọc cholesterol nên giúp bài tiết độc tố và chất thải thực phẩm ra khỏi đại tràng, chóng viêm ruột cùng.
Quả lựu
Lựu có thể bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh, đặc biệt nước ép lựu có khả năng bảo vệ khoang miệng tránh hấp thụ virus từ nguồn thực phẩm nhiễm bệnh. Lựu còn là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, được chứng minh có khả năng chống lại các bệnh cảm, cúm thông thường. Các đặc tính chống oxy hóa của lựu có khả năng làm giảm huyết áp cao. Người bị cao huyết áp cần uống ít nhất 240ml nước ép lựu mỗi ngày để thấy được kết quả. Lựu còn có khả năng cân bằng các tác động của bệnh tiểu đường, cải thiện sức khỏe của xương và giảm đau do viêm khớp.
Quả bơ
Trái bơ rất có lợi cho sức khỏe người bệnh khi chứa đến 25 loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Loại trái cây vùng nhiệt đới này có chứa vitamin C, vitamin B6,… là các loại vitamin cần thiết tham gia vào việc thực hiện các phản ứng hóa học trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho người bệnh.
Oleic acid (hay Omega-9) là chất béo đơn, không bão hòa có tác dụng làm giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường. Lượng Kali dồi dào trong trái bơ giúp chống lại các bệnh tuần hoàn máu, như tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Vitamin E có trong bơ là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể, tăng cường khả năng chống chọi lại bệnh tim mạch, ung thư. Lutein trong trái bơ còn giúp bảo vệ đôi mắt, ngăn ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Mang lại nhiều lợi ích về dinh dưỡng, trái bơ được Hiệp hội bệnh Tiểu đường tại Mỹ liệt kê vào danh sách những loại thực phẩm đứng đầu về dinh dưỡng.
Quả Nho
Nho là nguồn bổ sung vitamin C, các chất chống oxy hóa, vitamin K, Kali và nhiều loại chất dinh dưỡng cần thiết khác. Cụ thể, trong 150g nho có chứa 104 calo, 1g protein, 18% vitamin K, 21% khoáng chất, 8% vitamin B6. Có thể thấy nho là nguồn vitamin K dồi dào có thể sản xuất năng lượng, ngăn ngừa tình trạng đông máu giúp xương chắc khỏe. Chất chống oxy hóa có trong nho giúp phục hồi các tế bào bị tổn thương.
Quả dưa hấu
Viêm là nguyên nhân chính của nhiều bệnh. Dưa hấu có khả năng giảm viêm và tổn thương oxy hóa do chứa nhiều chất chống oxy hóa và kháng viêm như lycopene và vitamin C. Dưa hấu cung cấp 92% là nước, sự kết hợp giữa nước và chất xơ trong dưa hấu giúp người ăn cảm thấy no bụng mà không cần phải cung cấp nhiều calo như các loại thực phẩm khác.
Ngoài ra, dưa hấu còn có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch và điều hòa huyết áp. Citrulline, một loại axit amin có trong dưa hấu có khả năng tăng nồng độ oxit nitric trong cơ thể, giúp các mạch máu mở rộng và làm giảm huyết áp. Vitamin A, B6, C, magiê và kali trong dưa hấu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Quả chuối
Chuối là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể. Vitamin B6 có trong chuối giúp giảm mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm và mệt mỏi. Magie có trong chuối giúp xương khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, nguồn kali dồi dào có trong quả chuối giúp ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và tim mạch. Vì những công dụng trên, chuối được xem là phương thuốc tự nhiên với những người suy nhược, mệt mỏi, mắc các bệnh như cảm, cúm.
Quả việt quất
Quả việt quất là loại quả có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, giàu proanthocyanidin các chất chống oxy hóa tự nhiên. Đây được xem là loại quả có chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất trên thế giới, chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa và proanthocyanidins có khả năng chống viêm. Tình trạng viêm nhiễm được xem là cội nguồn của hầu hết các bệnh tật mà con người biết đến như cúm, bệnh tim mạch, ung thư…
Ngoài ra, do chứa lượng cao của phenol, đặc biệt axit gallic, việt quốc được xem như một “tác nhân bảo vệ thần kinh”. Theo các nghiên cứu từ Iran, những chất này có thể bảo vệ não khỏi sự thoái hóa, nhiễm độc thần kinh và stress oxy hóa. Các nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng, quả việt quốc còn có khả năng chống ung thư (nhờ giàu axit gallic), hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm LDL cholesterol, tăng HDL cholesterol và giảm huyết áp một cách tự nhiên.
Theo VietQ